Động thái trên làm gia tăng mối quan tâm của Mỹ về vai trò ngày càng lớn của Moscow ở Libya.
Thông tin trên do các nguồn tin ngoại giao Mỹ và Ai Cập tiết lộ. Các quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng động thái của Nga có thể là một phần nỗ lực nhằm hỗ trợ cho chỉ huy quân đội Libya Khalifa Haftar. Chỉ huy này thất bại trước cuộc tấn công của Lữ đoàn Phòng vệ Benghazi (BDB) nhắm vào các cảng dầu do lực lượng của ông kiểm soát vào ngày 3-3.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Washington nhận thấy rằng dường như lực lượng đặc biệt Nga và máy bay xuất hiện tại khu vực Sidi Barrani, cách biên giới Ai Cập - Libya khoảng 100 km. Trong khi đó, các nguồn tin an ninh của Ai Cập cho biết thêm chi tiết lực lượng đặc nhiệm Nga gồm 22 thành viên. Thế nhưng các nguồn tin Ai Cập lại từ chối cung cấp thông tin về sứ mệnh của lực lượng đó.
Ngoài ra, các nguồn nói thêm rằng Nga đã sử dụng một căn cứ khác của Ai Cập ở cảng Marsa Matrouh vào đầu tháng 2 vừa qua.
Phiến quân chống chính phủ có mặt ở một nhà máy lọc dầu ở Ras Lanouf, phía đông Libya. Ảnh: AP
Thông tin triển khai lực lượng như thế này chưa từng được đề cập đến. Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Mỹ không đưa ra bất cứ bình luận nào trong ngày 13-3.
Ai Cập lại lên tiếng phủ nhận sự có mặt của bất cứ binh sĩ Nga nào trên đất của họ. Người phát ngôn quân đội Ai Cập, ông Tamer al-Rifai, nói: “Không có một người lính từ bất kỳ nước nào trên đất Ai Cập. Đây là vấn đề chủ quyền”.
Trong khi đó, nguồn tin Ai Cập cho hay máy bay quân sự Nga đã chở khoảng 6 đơn vị quân đội Nga đến Marsa Matrouh và 10 ngày sau, máy bay này đã tiếp tục đến Libya.
Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, không thể xác nhận sự hiện diện của bất kỳ lính đặc biệt, máy bay quan sự cũng như máy bay không người lái nào của Nga ở Ai Cập.
Ông Mohamed Manfour, chỉ huy căn cứ không quân Benina gần Benghazi, phủ nhận chuyện chỉ huy quân đội Libya Haftar nhận được sự trợ giúp quân sự từ nhà nước Nga hoặc các nhà thầu quân sự Nga, đồng thời khẳng định không có lực lượng hoặc căn cứ của Nga ở miền Đông Libya.
Ấy thế mà, một nhà ngoại phương Tây khăng khăng rằng rõ ràng người Ai Cập đang tạo điều kiện cho binh sĩ Nga có mặt ở Libya bằng cách cho phép họ sử dụng các căn cứ. Một quan chức tình báo Mỹ cho biết mục tiêu của Nga ở Libya dường như là nỗ lực lấy lại vị thế nước này từng có dưới thời nhà cầm quyền Muammar Gaddafi.
Một số nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đã gửi các lực lượng đặc nhiệm và các cố vấn quân sự vào Libya trong 2 năm qua. Quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích yểm trợ một chiến dịch của Libya hồi năm ngoái nhằm đánh đuổi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành trì ở TP Sirte.
Bình luận (0)