Một số người sống trong các khu trại ở Myanmar cho biết ít nhất 50 người Rohingya Hồi giáo đã trở về nhà cuối tuần qua sau khi trả cho các chủ tàu từ 200-300 USD/người để thoát khỏi cảnh đánh đập, thiếu thức ăn, nước uống trên tàu.
Những người trở về này kể lại thủy thủ đoàn đã đánh đập họ bằng gậy sắt và dây xích khi họ yêu cầu thêm thực phẩm. Nhiều người bị bỏ đói và chỉ được cung cấp cho 3 ly nước cùng 2 nắm cơm mỗi ngày để cầm cự trong suốt 3 tháng qua.
Nhiều con tàu chở người di cư vẫn còn lênh đênh trên biển. Ảnh: Antara
Hàng ngàn người di cư vẫn đang chen chúc trên những con tàu chật hẹp ở vùng biển quần đảo Andaman ngoài khơi Indonesian, Malaysia và Thái Lan trong khi một số khác vẫn ở gần Myanmar và Bangladesh.
Kyaw Hla, một lãnh đạo cộng đồng Rohingya Hồi giáo, người đã giúp đưa 20 người di cư trở về nhà, nói: “Các tuyến đường buôn người bị xáo trộn nên những kẻ buôn người đã thu 200 USD/người mới cho họ trở về”.
Roshida, một góa phụ 25 tuổi, đã trở về khu trại Say Tha Mar Gyi ở Myanmar sau 3 tháng trôi dạt trên biển cùng 2 đứa con trai nhỏ và con gái 9 tháng tuổi. Cô Roshida kể lại mình phải bán hết tài sản để có tiền rời khỏi Myanmar cũng như quay trở về. Cô cho hay mọi người trên con tàu chật chội phải chèn ép nhau để có được chỗ ngồi và chứng kiến 2 người chết trên một con tàu khác bị ném xuống biển.
Khi được tin một số con tàu di cư neo gần bờ biển Myanmar, Maung Maung Soe, lãnh đạo khu trại Say Tha Mar Gyi, đã kêu gọi người dân quyên góp để trả tiền cho bọn buôn người để họ cho phép cô Roshida và khoảng 30 người khác trở về.
Một cuộc truy quét đường dây buôn người mạnh mẽ tại Thái Lan, điểm dừng đầu tiên trên đường đến Malaysia, khiến các tàu chở hàng trăm người di cư Rohingya Hồi giáo và Bangladesh vẫn còn ở ngoài khơi Myanmar.
Khoảng 3.000 người đã vào đến bờ biển Indonesia, Malaysia sau khi những kẻ buôn người bỏ rơi tàu chở người di cư vì những cuộc đàn áp.
Ngày 21-5, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết hải quân nước ông sẽ tìm kiếm và giải cứu các thuyền di cư trôi dạt trên biển Andaman. Đây là bước tiến mới sau khi Malaysia và cùng Indonesia thỏa thuận cho người di cư trú ẩn tạm một khi họ lên được bờ.
Cùng ngày 21-5, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman sẽ gặp Ngoại trưởng Myanmar U Wunna Maung Lwin tại thủ đô Nay Pyi Taw để bàn về khủng hoảng di cư. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng cho hay Mỹ sẽ dẫn đầu một nỗ lực đa quốc gia để tái định cư người di cư.
Bình luận (0)