Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Indonesian Arrmanatha Nasir cho biết: “Động thái trên là kết quả từ cuộc thảo luận giữa Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đồng thời đây cũng là đề xuất của chúng tôi nhằm thúc giục Malaysia sử dụng quyền chủ tịch ASEAN của mình để giải quyết vấn đề”.
Người phát ngôn cho biết cả 3 quan chức dự kiến sẽ tìm ra giải pháp ngắn, trung hoặc dài hạn liên quan đến tình trạng gia tăng dòng người nhập cư bất thường gần đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar đã vắng mặt trong cuộc họp nói trên.
Trước đó, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã bị chỉ trích khi đẩy các tàu chở người di cư Rohingya Hồi giáo và Bangladesh trở lại biển. Gần 3.000 người đã bơi vào bờ và được giải cứu ở ngoài khơi Malaysia, Indonesia và Thái Lan trong 1 tuần qua.
Khoảng 300 người di cư gồm trẻ em trên một chiếc tàu bị Thái Lan đẩy trở lại biển đã không có tin tức gì trong hơn 60 giờ qua.
Hôm 14-5 Hải quân Thái Lan đã giúp sửa động cơ và cung cấp thức ăn nước uống, thuốc men cho người tị nạn trước khi “hộ tống” con tàu trở lại vùng biển quốc tế.
Trong khi đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đã nhận được báo cáo về ít nhất 2.000 người tị nạn bị mắc kẹt trên 5 chiếc tàu của những kẻ buôn người ngoài khơi bờ biển Myanmar-Bangladesh trong hơn 40 ngày qua.
Những người tị nạn trên tàu phải sống trong tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống và bạo lực nếu không trả tiền cho bọn buôn người để được rời khỏi tàu.
UNHCR ước tính có gần 4.000 người từ Myanmar và Bangladesh bị mắc kẹt trên biển. Phát ngôn viên (UNHCR) nói rằng một số người di cư trên tàu đã phải trả 300 USD/ người cho những kẻ buôn người để có thể trở về bang Rakhine, Myanmar, nơi hàng trăm ngàn người Rohingya Hồi giáo sống trong cảnh nghèo đói và phân biệt chủng tộc.
Trong ngày 20-5, ngư dân Indonesia đã đưa hơn 100 người di cư Rohingya Hồi giáo và Bangladesh vào bờ biển tỉnh Aceh. Đến nay đã có gần 1.400 người di cư đã vào được đất liền Indonesia sau nhiều tuần lênh đênh trên biển.
Bình luận (0)