Lam Wing-kee, một trong 5 người bị bắt giữ, hôm 16-6 trả lời họp báo cho hay ông bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giam hơn 8 tháng.
Ông Lam còn cho biết người đồng nghiệp Lee Bo mang quốc tịch Anh của ông cũng bị chính quyền Trung Quốc "bắt cóc" tại Hồng Kông. Tuy nhiên, ông Lee Bo sau đó thông qua mạng xã hội phủ nhận việc bị bắt cóc tại Hồng Kông và đưa sang đại lục.
Cũng trong buổi họp báo trên, ông Lam tiết lộ mình bị bịt mắt, còng tay và liên tục bị thẩm vấn trong một căn phòng nhỏ nơi ông bị biệt giam và không được gọi điện cho người thân lẫn luật sư.
“Lam Wing-kee thật dũng cảm. Tôi nghĩ sau khi phát biểu, ông ta sẽ chẳng thể nào trở về đại lục hoặc cũng có thể cảnh sát sẽ đến bắt anh ta” – ông Kwok, một người trong đoàn biểu tình phản đối việc Trung Quốc “bắt cóc xuyên biên giới” khẳng định.
Đoàn người biểu tình trước văn phòng đại diện của Trung Quốc ở Hồng Kông hôm 17-6. Ảnh: Reuters
Trước đó, vào năm ngoái, ông Lam cùng 4 đồng nghiệp khác đột nhiên “mất tích” tại Hồng Kông rồi sau đó lại bất ngờ xuất hiện tại toà án Trung Quốc vào năm nay. Họ bị bắt giam vì chuyên xuất bản và bán sách viết những lời đồn đoán về các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các quan chức văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình nào về vụ việc. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định họ tôn trọng quyền tự do của người dân Hồng Kông và việc bắt giữ ông Lam là hoàn toàn hợp pháp.
“Lam Wing-kee là công dân Trung Quốc. Ông ấy đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi còn ở Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc liên quan đến vụ việc tất nhiên có quyền xử lý theo luật pháp” – bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố.
Tuy nhiên, ông John Tsang, người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông, phản đối việc nhà chức trách bên ngoài thực thi pháp luật tại đặc khu hành chính này.
"Đây là điều không thể chấp nhận được" - ông John Tsang tuyên bố, nhưng không nói rõ chính quyền địa phương sẽ có bước đi gì tiếp theo bất chấp sự chỉ trích của người biểu tinh rằng họ không điều tra đến nơi đến chốn vụ việc.
Trong số 5 người nói trên, hiện chỉ còn một người mang quốc tịch Thuỵ Điển vẫn còn bị giam giữ ở Trung Quốc.
Bình luận (0)