Mỹ đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại New York, Washington DC và Pennsylvania. Lễ tưởng niệm tại Ground Zero (New York) diễn ra vào đúng 8 giờ 46 ngày 11-9 (giờ địa phương), thời điểm định mệnh khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào một tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) cách đây 12 năm.
Người nhà của các nạn nhân tập trung quanh 2 đài tưởng niệm tại vị trí cũ của tòa tháp đôi rồi đọc tên những người đã khuất. Danh sách này gồm 2.983 cái tên, trong đó có cả những nạn nhân trong vụ đánh bom xe ở WTC vào năm 1993.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama và vợ chồng Phó tổng thống Joe Biden tưởng niệm tại Nhà Trắng
Ông Obama phát biểu tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AP
Phát biểu tại trụ sở Bộ Quốc phòng trước gia đình các nạn nhân và quân nhân thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Chúng ta cầu nguyện trong sự tưởng nhớ đến những người đã rời khỏi chúng ta - gần 3.000 linh hồn vô tội. Trái tim của chúng ta vẫn đau nhói cho những tương lai đã mất đi, những sự sống đáng lẽ phải được tiếp diễn".
Gần 3.000 người đã mất mạng sau khi 4 chiếc máy bay Mỹ bị không tặc khống chế lao vào WTC ở New York, Lầu Năm Góc ở Washington và rơi ở thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania.
Ngay sau thảm kịch, quân đội Mỹ lên đường đến Afghanistan để tiêu diệt Taliban, vốn hỗ trợ cho mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Ông Obama gửi lời tri ân đến lực lượng Mỹ đang có mặt ở Afghanistan, song khẳng định cuộc chiến đang đi đến hồi kết. "Chúng ta hãy khôn ngoan để hiểu rằng đôi khi vũ lực là cần thiết nhưng chỉ vũ lực thì không thể xây dựng nên thế giới mà chúng ta kiếm tìm" - ông nói.
Tổng thống Mỹ cũng tưởng nhớ đến 4 quan chức ngoại giao của nước này thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 11-9-2012 ở lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi - Libya.
Trong khi đó, tại Đồi Capitol, nơi có tòa nhà Quốc hội Mỹ, hàng trăm nghị sĩ đồng thanh hát "Chúa phù hộ nước Mỹ", bài hát mà các thành viên của Thượng viện và Hạ viện đã cất lên cách đây 12 năm ngay sau vụ tấn công.
Lễ tưởng niệm tại Ground Zero diễn ra lúc 8 giờ 46 phút ngày 11-9. Ảnh: AP
Người Mỹ vẫn chưa nguôi nổi mất mát này. Ảnh: EPA
Ảnh: Reuters
Ảnh: EPA
Một binh sĩ hải quân chờ tham gia nghi thức đặt vòng hoa cùng Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Sally Jewell
tại Đài tưởng niệm quốc gia Chuyến bay 93. Ảnh: AP
Lễ hạ cờ tưởng nhớ các nạn nhân trên chiếc máy bay số hiệu 93 của hãng United Airlines đã thiệt mạng
sau khi chiếc máy bay lao xuống một cánh đồng ở Shankville, bang Pennsylvania. Ảnh: AP
Rung chuông tưởng niệm các nạn nhân trên chuyến bay 93. Ảnh: AP
2 tia sáng tưởng nhớ. Ảnh: Reuters
Dọa đánh bom sân bay Mỹ đúng ngày 11-9
Nna Alpha Onuoha, 29 tuổi, cựu nhân viên của Cục Quản lý An ninh Vận tải Mỹ (TSA), bị lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Los Angeles bắt giữ vào cuối ngày 10-9 sau khi đe dọa đánh bom sân bay quốc tế Los Angeles, bang California.
Nna Alpha Onuoha được cho là người Mỹ gốc Nigeria. Ảnh: New York Daily News
Onuoha tải lời đe dọa trên mạng: “Vào ngày mà tôi đưa ra thông điệp này, ngay cả chính phủ Mỹ từng lớn mạnh, hả hê kiêu ngạo, cũng sẽ bị sụp đổ không còn gì”.
Trước đó, Onuoha đã gọi đến sân bay quốc tế Los Angeles và cảnh báo một quản lý của TSA nên sơ tán mọi người. Trong cuộc điện thoại, y đe dọa rằng một quả bom hoặc một vụ bạo lực sẽ tấn công sân bay. Đội rà bom tìm thấy túi đồ khả nghi mà Onuoha để lại trụ sở của TSA tại sân bay, nhưng sau đó nó được xác định là vô hại.
Onuoha nghỉ việc tại TSA hôm 10-9 sau khi bị đình chỉ cách đây không lâu. Onuoha đối mặt với 15 năm tù nếu bị kết án với tội danh đe dọa sân bay Los Angeles. |
Bình luận (0)