Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 2-8 dẫn nguồn từ Procuratorial Daily, tờ báo chính thức của Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc, cho biết thông tin trên. Hiện chưa có thông tin về thời gian chính xác xảy ra vụ việc.
Theo Procuratorial Daily, sau khi hay tin người nhái Nhật Bản tiếp cận tàu chiến Trung Quốc, công tố viên Trung Quốc Jian Jiamin – cố vấn pháp luật của Hải quân Trung Quốc ở Djibouti – đã mô tả hành động này là "nguy hiểm" và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông này khẳng định tàu Trung Quốc có thể "thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hay thậm chí là tấn công phòng vệ chính đáng". Theo đó, ông Jian kêu gọi binh lính Trung Quốc "rọi đèn và phát thông điệp cảnh báo" để xua đuổi người nhái Nhật Bản.
Người nhái Nhật Bản được cho là đã tiếp cận tàu chiến Trung Quóc tại Djibouti. Ảnh: Reuters
Cả Bắc Kinh và Tokyo vẫn chưa chính thức xác nhận vụ việc. Nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong những lần hiếm hoi hải quân Nhật Bản và Trung Quốc đụng độ tại một khu vực cảng chiến lược cách xa lãnh thổ 2 nước.
Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường hiện diện hải quân ngoài khơi Djibouti sau khi chính thức mở cửa căn cứ hải quân đầu tiên tại quốc gia Đông Phi này vào hôm 1-8.
Theo thông tin được Reuters đăng tải cùng ngày, có hơn 300 người tham dự buổi khai trương căn cứ hải quân này, trong đó có phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Điền Trung (Tian Zhong) và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti.
Được xây dựng vào năm ngoái, căn cứ hải quân nói trên được dùng để tiếp nhiên liệu cho tàu hải quân tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình và nhân đạo ngoài khơi Yemen và Somalia.
Trung Quốc hôm 1-8 chính thức mở cửa căn cứ hải quân đầu tiên tại Djibouti. Ảnh: Reuters
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, căn cứ này sẽ hỗ trợ Trung Quốc hoạt động tuần tra tốt hơn ở ngoài khơi Somalia và Yemen cũng như thực hiện các sứ mệnh nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lo ngại Trung Quốc lập căn cứu ở Djibouti để mở rộng hiện diện quân sự.
Vị trí của Djibouti ở rìa Tây Bắc Ấn Độ Dương khiến các đối thủ trong khu vực của Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ lo ngại Djibouti sẽ nằm trong "chuỗi ngọc trai" - bao gồm các đồng minh quân sự và căn cứ của Trung Quốc bao quanh Ấn Độ như Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.
Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực trong khu vực. Trung Quốc gần đây đề nghị hòa giải cuộc tranh chấp biên giới kéo dài giữa Djibouti và Eritrea, qua đó thể hiện tham vọng và sự tự tin ngày càng tăng cao của quốc gia này.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thiết lập căn cứ tại Djibouti vào năm 2011. Đến năm 2016,Tokyo tuyên bố cân nhắc mở rộng căn cứ này.
Ảnh chụp bên trong căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tại Djibouti. Ảnh:SCMP
Bình luận (0)