Theo họ, sự sụt giảm này có thể đe dọa kế sinh nhai và nguồn thực phẩm của hàng triệu người. Hiện có hơn 56 triệu người làm việc trong ngành cá trên toàn thế giới và hải sản cung cấp tới phân nửa lượng đạm thực vật cho người dân ở các nước đang phát triển.
Trong báo cáo đăng trên Tạp chí Science hồi cuối tháng 2, các nhà khoa học cho biết do đại dương nóng lên mà lượng đánh bắt toàn cầu đã giảm 4%. Ngoài ra, lượng cá ở các vùng biển ven bờ Trung Quốc và Nhật Bản sụt giảm mạnh nhất, từ 15%-35% trong khoảng thời gian từ năm 1930-2010.
Tàu cá Trung Quốc thường bị cáo buộc đánh bắt quá mức Ảnh: ABC
"Các hệ sinh thái ở Đông Á đang ấm lên nhanh chóng và cũng chứng kiến mức độ đánh bắt cá quá mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Việc nguồn cá ở đây sụt giảm rất đáng lo ngại bởi Đông Á đang có đà tăng dân số nhanh nhất thế giới và khu vực này có nhu cầu hải sản thực sự lớn" - nhà sinh thái học Chris Free thuộc Trường ĐH California (Mỹ) nhận xét. Theo ông, nếu nguồn cá tiếp tục giảm, các nước Đông Á phải nhập khẩu mặt hàng này từ các vùng khác trên thế giới, từ đó đẩy giá cả lên cao.
Tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng tác động ngược lại, khiến biến đổi khí hậu càng thêm nghiêm trọng, theo ông Free. Chính vì vậy, chính phủ các nước nên chấm dứt tình trạng này, đồng thời thiết lập các thỏa thuận thương mại để chia sẻ nguồn cá.
Bên cạnh đó, bà Eva Plaganyi - thuộc Đơn vị Đại dương và Khí quyển của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung - chỉ ra báo cáo của các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Rutgers chưa tính đến những ảnh hưởng môi trường khác mà biến đổi khí hậu gây ra, như tình trạng axít hóa đại dương.
Bình luận (0)