"Nga không tuân thủ thỏa thuận. Vì thế, chúng tôi sẽ rút khỏi thỏa thuận cho đến khi họ tuân thủ" - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, đồng thời nhận định nước đi của Mỹ có thể buộc Nga quay lại bàn đàm phán để xây dựng "một thỏa thuận mới" hoặc "làm điều gì đó để cứu OST".
Với việc Moscow được thông báo chính thức vào ngày 22-5, Washington sẽ chính thức rời khỏi thỏa thuận 35 thành viên nêu trên trong 6 tháng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định với hãng thông tấn RIA rằng Moscow chưa từng vi phạm OST và "sẽ thật hối tiếc" nếu Washington rút khỏi thỏa thuận này. Theo ông Grushko, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến nền tảng an ninh châu Âu… mà còn lợi ích chiến lược của đồng minh Mỹ, trong đó có các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thứ trưởng Grushko cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang "làm chệch hướng mọi thỏa thuận kiểm soát vũ khí".
Chiến đấu cơ Mỹ tiếp cận máy bay trinh sát Nga Tu-14 tiến vào vùng nhận dạng phòng không Alaska hồi tháng 3 Ảnh: Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD)
Theo trang Euractiv, động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khiến các đồng minh châu Âu bất ngờ và nhiều khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và các đồng minh châu Âu lẫn NATO, vốn sử dụng OST để tiến hành các chuyến bay trinh sát ở khu vực sườn Đông dễ bị tổn thương của châu Âu.
Trước đó, các đồng minh NATO của Mỹ và những quốc gia khác, bao gồm Ukraine, đã hối thúc Mỹ không rút khỏi hiệp ước nêu trên.
Được ký kết vào năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002, OST cho phép các nước thành viên tiến hành hoạt động bay trinh sát không vũ trang, nhanh chóng trên không phận của nhau để thu thập dữ liệu về lực lượng và hoạt động quân sự, góp phần giám sát hoạt động kiểm soát vũ khí thông thường lẫn vũ khí tấn công chiến lược, xây dựng niềm tin chung và giảm rủi ro xung đột.
OST là thỏa thuận an ninh quan trọng thứ ba mà Mỹ rời bỏ trong những năm gần đây, theo sau Thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung.
Bình luận (0)