Được chụp vào ngày 28-1, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Donald Trump cùng đội ngũ cố vấn khi ông nhận điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Nga Vladimir Putin sau lễ nhậm chức.
Sau 7 tháng, những nhân vật có mặt trong bức hình hiện giờ ra sao?
1. Tổng thống Donald Trump
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20-1, ông Donald Trump phải đối mặt với áp lực từ rất nhiều phía. Nhiệm kỳ tổng thống của ông bị phủ bóng bởi cuộc điều tra liên quan đến Nga. Các chính sách chủ chốt, như bãi bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare) hoặc lệnh cấm nhập cảnh đang gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, ông còn gặp phải làn sóng chỉ trích mới từ các thành viên cao cấp của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa vì cách phản ứng với cuộc biểu tình bạo lực của người theo chủ trương da trắng thượng đẳng tại bang Virginia.
Từ trái qua phải: Tổng thống Donald Trump, ông Reince Priebus, ông Mike Pence, ông Steve Bannon, ông Sean Spicer và ông Michael Flynn. Ảnh: REUTERS
2. Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus
Ông Priebus rời Nhà Trắng ngày 28-7 chỉ sau 6 tháng tại vị. Đây là động thái theo sau một loạt các sự kiện khác trong những tuần hỗn loạn của Nhà Trắng.
Ông Priebus từng bị cựu giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci mô tả là một "người hoang tưởng" liên quan đến những rò rỉ từ nội bộ Nhà Trắng.
Vị trí của ông được thay thế bằng tướng về hưu John Kelly.
3. Phó Tổng thống Mike Pence
Đến nay, ông Pence là người duy nhất trong bức ảnh (ngoài ông Donald Trump) may mắn "sống sót" trong 7 tháng đầu tiên.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 8, phó tổng thống bị buộc phải phủ nhận chuyện ông đang chuẩn bị tranh cử tổng thống vào năm 2020 sau một bài báo của tờ The New York Times.
Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: REUTERS
4. Cựu Chiến lược gia trưởng Steve Bannon
Ông Bannon là người mới nhất ra đi sau khi có thông tin nói Chánh văn phòng Nhà Trắng Kelly cân nhắc chức vụ.
Là một nhân vật nhiệt huyết của phe cánh hữu và từng phụ trách trang tin Breibart, ông Bannon góp phần giúp mang lại thành công cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Tuy nhiên, giữa ông và các phe ôn hòa hơn trong Nhà Trắng đã xảy ra xung đột.
Quyết định sa thải ông Bannon có thể làm suy yếu sự ủng hộ của các cử tri cực hữu đối với ông Donald Trump nhưng lại giúp xoa dịu căng thẳng bên trong Nhà Trắng và với lãnh đạo các đảng.
Tuy nhiên, điều này không báo hiệu những thay đổi đáng kể đối với chính sách đối ngoại, quốc phòng hay kinh tế của ông Donald Trump.
Cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon. Ảnh: REUTERS
Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ những người được lợi nhiều nhất từ sự ra đi của ông Bannon là cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn, con gái Ivanka và con rể Jared Kushner ông Donald Trump,
5. Cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer
Ông Spicer, người nổi tiếng vì những mâu thuẫn nảy lửa với truyền thông, nộp đơn từ chức vào ngày 21-7 vì không đồng ý việc bổ nhiệm giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci.
Trả lời phỏng vấn đài Fox News, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng việc có "quá nhiều đầu bếp trong một căn bếp" sẽ đem lại rủi ro.
Ông Sean Spicer. Ảnh: REUTERS
6. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn
Sự ra đi của ông Flynn vào ngày 13-2 là sự kiện gây tranh cãi nhất sau khi mối quan hệ của ông này với Nga bị đưa ra ánh sáng.
Mặc dù ông Flynn từ chức nhưng đây là hành động theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
Cựu cố vấn an ninh chỉ làm việc được 23 ngày thì phải rời Nhà Trắng.
Trước đó, ông bị dính vào vụ bê bối lừa dối các quan chức Nhà Trắng, trong đó có cả phó tổng thống, về mối quan hệ với đại sứ Nga Sergei Kislyak.
Bình luận (0)