Chính phủ Nhật Bản đang muốn người lao động đi nghỉ nhiều hơn cũng như làm việc ít giờ hơn trong nỗ lực đối phó hiện tượng “karoshi” (chết do làm việc quá sức).
Tuy nhiên, không dễ để nỗ lực này thành công bởi tư tưởng muốn cống hiến cho công ty, không bao giờ rời khỏi nơi làm việc trước sếp đã ăn sâu vào đầu óc nhiều người lao động nước này.
Áp lực công việc
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nhân viên toàn thời gian làm thêm bình quân 173 giờ trong năm 2014, tăng 18 giờ so với 10 năm trước. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 1993. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết khoảng 22,3% người lao động Nhật Bản làm trung bình khoảng 50 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 12,7% ở Anh, 11,3% ở Mỹ và 8,2% ở Pháp.
Số liệu thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho thấy có 2.227 người tự tử trong năm 2014 do mệt mỏi, lo lắng về công việc hoặc điều kiện công việc. “Các công ty Nhật có khuynh hướng thúc đẩy nhân viên làm việc thêm giờ hơn là tuyển dụng người mới vào thời điểm công việc bề bộn. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng buộc một số ngành công nghiệp yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ hơn” - Koya Miyamae, một nhà phân tích của Công ty SMBC Nikko Securities tại Tokyo, giải thích với trang Bloomberg.
Một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản trong năm 2013 chỉ ra rằng 16% người làm việc trọn thời gian không đi nghỉ trong lúc những người khác chỉ dùng phân nửa số ngày phép. Cũng trong năm 2013, khoảng 196 trường hợp tử vong vì làm việc quá sức được chính thức ghi nhận nhưng giáo sư Shigeru Waki của Trường ĐH Ryukoku cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. “Còn nhiều người chết hoặc mắc bệnh do làm việc quá sức nhưng rất khó để chứng minh” - ông Waki nói.
Khuyến khích nhân viên nghỉ phép
Chứng kiến hiện trạng trên, khoảng nửa triệu người vào năm ngoái đã ký kiến nghị kêu gọi chính phủ cải thiện tình hình khiến các nhà làm luật vào cuộc. Nội dung một dự luật vừa được một ủy ban của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào đầu tuần này, trong đó khuyến khích các công ty rút ngắn thời gian làm việc và khích lệ nhân viên nghỉ phép hằng năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn buộc phải để nhân viên nghỉ phép ít nhất 5 ngày mà vẫn được hưởng lương.
Dự luật cũng đặt mục tiêu giảm tỉ lệ người làm việc ít nhất 60 giờ/tuần xuống còn 5% hoặc thấp hơn vào năm 2020. Một số biện pháp phòng ngừa cũng được nhắc đến, như cung cấp kiến thức về “karoshi” và cải thiện hệ thống tư vấn.
Trước đó, nội các Nhật Bản vào cuối tháng 4 đã thông qua một dự luật. Theo đó, sẽ không áp dụng những quy định về giờ làm việc cho đối tượng nhân viên văn phòng nào có thu nhập trên 10,75 triệu yen (1,8 tỉ đồng) một năm.
Phe ủng hộ dự luật này cho rằng nó sẽ giúp mang lại sự linh hoạt trong công việc, đồng thời nhân viên giỏi được thưởng bởi hiệu suất làm việc chứ không phải thời gian làm việc. Ngoài ra, theo dự luật này, nhân viên cũng không nhất thiết phải có mặt ở văn phòng, đồng thời có thể đi làm hoặc rời khỏi công ty bất kỳ khi nào họ muốn, miễn là công việc đã được hoàn thành.
Trái lại, những người phản đối cho rằng nếu dự luật được thông qua, sẽ có nhiều người lao động không được trả thêm tiền vì phải làm việc ngoài giờ để hoàn tất công việc được giao.
Bình luận (0)