"Đó là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân” - Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo – “ Quan trọng là hai bên phải kiềm chế các hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế".
"Đó là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân” - Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh. Ảnh: NHK
Trước đó, vào lúc 16 giờ ngày 26-5, tàu cá của Trung Quốc số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở khu vực cách vị trí hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý về phía nam tây nam. 10 ngư dân trên tàu cá Việt Nam đã được cứu sống.
Thời điểm xảy ra sự việc có 40 tàu cá Trung Quốc bao vây nhóm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Báo chí thế giới hôm nay cũng đồng loạt đăng tin về hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc. Bloomberg có bài viết mang tiêu đề “Trung Quốc tấn công tàu cá gây gia tăng căng thẳng với Việt Nam”. Trang tin của Mỹ này dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết tàu cá mang số hiệu DNa 90152 của Việt Nam bị "tàu Trung Quốc đâm trúng". 10 ngư dân trên tàu DNa 90152 đã được các tàu Việt Nam ở gần đó cứu. Bloomberg cũng nhận định vụ việc là màn đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước kể từ năm 2007.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc lại trắng trợn đưa tin cho rằng một tàu cá Việt Nam bị lật ở biển Đông vào hôm 26-5 sau khi “quấy rối và đâm vào” một tàu cá Trung Quốc.
Trong khi đó, Business Insider cũng dẫn thông tin từ phía Việt Nam cho thấy khoảng 40 tàu cá Trung Quốc vây quanh một tàu cá Việt Nam trước khi đánh chìm tàu cá đang hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trung Quốc lên kế hoạch xây đảo nhân tạo gần bãi đá Gạc Ma
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 25-5 đưa tin Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Theo đó, các cơ sở quân sự, trong đó có một căn cứ không quân và một cảng hải quân, sẽ được xây dựng trên đảo với mục đích tăng cường khả năng phản ứng nhanh của các tàu chiến và các tàu an ninh biển Trung Quốc trong trường hợp xảy ra sự cố trong khu vực.
Bình luận (0)