Trước khi ngồi vào ghế "nóng" nói trên, bà Inada, 57 tuổi, phụ trách các vấn đề về chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
Việc ông Abe bổ nhiệm bà Inada làm Bộ trưởng Quốc phòng nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc và Hàn Quốc không vừa lòng. Bà Inada được cho là có quan điểm bảo thủ về vấn đề lịch sử thời chiến và thường xuyên thăm đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo. Trung Quốc và Hàn Quốc xem ngôi đền này là biểu tượng của lịch sử xâm lược và chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản.
Bà Tomomi Inada trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia an ninh Takashi Kawakami thuộc Trường ĐH Takushoku nhận định: “Bà Inada là một chính trị gia cực kỳ bảo thủ và bước đi này được xem là nhằm chuẩn bị cho vấn để sửa đổi hiến pháp và có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc”.
Theo báo Asahi, việc bổ nhiệm đồng minh thân cận Inada làm bộ trưởng quốc phòng cũng giúp Thủ tướng Abe giữ đúng cam kết bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào nội các.
Trước bà Inada, bà Yuriko Koike vào năm 2007 cũng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe. Bà Koike hồi cuối tháng 7 được bầu làm thị trưởng Tokyo, trở thành nữ thị trưởng đầu tiên trong lịch sử thành phố.
Ngoài bà Inada, ông Abe cũng thay đổi một số vị trí khác trong nội các mới, nhưng vẫn giữ lại một số vị trí chủ chốt, như chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Ngoại trưởng Fumio Kishida...
Hiện ông Abe đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đối phó với những thách thức ngoại giao giữa lúc cân nhắc khả năng tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ chủ tịch LDP kết thúc vào năm 2018. Hôm 2-8, chính phủ Nhật Bản phê chuẩn gói kích thích tài chính trị giá khoảng 132 tỉ USD nhằm phục hồi nền kinh tế đang trì trệ.
Một số nhà phân tích lo lắng ông Abe sẽ cống hiến quá nhiều “năng lượng” cho sửa đổi hiến pháp nên sẽ lơ là vấn đề kinh tế.
Bình luận (0)