Tổ chức có trụ sở ở Chiyoda, thuộc Tokyo này là hiệp hội người Triều Tiên tại Nhật Bản, đồng thời là một nguồn tài chính lớn đổ về Bình Nhưỡng.
Giữa lúc căng thẳng đang dâng cao sau 2 vụ tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật gần đây, nhà hoạt động nhân quyền nổi danh ở Tokyo Ken Kato quyết đẩy mạnh cuộc chiến kéo dài cả thập kỷ qua nhằm thu hồi 1.400 tỉ yen (tương đương 12,51 tỉ USD) trong các quỹ chính phủ từng được dùng để cứu 16 hội tín dụng thân Bình Nhưỡng khỏi phá sản khi kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn vào những năm 1990.
Theo tờ South China Morning Post, ông Kato cùng giới chức chính phủ Nhật cáo buộc các hội tín dụng nói trên - vốn có liên hệ chặt chẽ với Chosen Soren và được sử dụng để gửi tiền đến Triều Tiên - đã có các khoản cho vay rủi ro dù biết rõ người đóng thuế ở Nhật sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu họ thất bại.
Ước tính mỗi người dân Nhật cũng như mỗi người nước ngoài ở đây đã phải "chịu" khoảng 100 USD cho thất bại của những hội tín dụng như vậy. Theo lời ông Kato, ít nhất 25 quan chức của các hội đó đã bị bắt giữ vì liên quan tới giao dịch lừa đảo.
Học sinh Nhật Bản học kỹ năng sơ tán trong trường hợp khẩn cấp tại tỉnh Akita Ảnh: KYODO
Vấn đề này từng được ông Seiji Maehara, hiện đứng đầu Đảng Dân chủ đối lập tại Nhật, đưa ra chất vấn chính phủ gần nhất vào năm 2015 và nhận được xác nhận rằng hàng tỉ yen đã được cung cấp cho các hội tín dụng phá sản, bao gồm 16 hội liên quan tới Triều Tiên, thông qua Tổng Công ty bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản (DICJ).
"Những hội (liên quan tới Triều Tiên) tiếp tục cho vay thêm nhiều tiền dù biết rõ mình sẽ sụp đổ và DICJ hoặc công quỹ sẽ phải giải quyết hậu quả. Từ đó, thiệt hại chồng chất rất lớn" - Thủ tướng Shinzo Abe nói khi đó. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản này nhấn mạnh câu chuyện không phải là sự đầu tư thất bại của các hội tín dụng mà là vấn đề cho vay trái phép và số tiền này chảy về Bình Nhưỡng.
Một số tòa án ở Nhật đã yêu cầu Chonsen Soren trả lại ít nhất một phần số tiền cứu sống các hội tín dụng nói trên. Mới nhất, Tòa án quận Tokyo hôm 2-8 yêu cầu tổ chức này hoàn trả 91 tỉ yen, bao gồm lãi. Tuy nhiên, Chonsen Soren chưa một lần chấp thuận những yêu cầu này.
Kế hoạch mới nhất của ông Kato nhằm trói tay tổ chức này là kiến nghị chính phủ khiến Chonsen Soren tuyên bố phá sản, thu giữ các tài sản và đấu giá để bù đắp khoản nợ của họ.
Kế hoạch này được cho là có cơ hội thành công hơn bao giờ hết do tình hình quan hệ Nhật - Triều hiện nay. "Quá đủ rồi! Họ lấy tiền của người đóng thuế Nhật Bản và gửi cho Bình Nhưỡng để chi cho những tên lửa, vũ khí hạt nhân đang chĩa về phía Nhật Bản" - ông Kato giận dữ.
Bình luận (0)