Một bước đi như vậy hẳn sẽ khoét sâu thêm rạn nứt mà chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đã tạo ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhật Bản là đồng minh chính duy nhất của Mỹ không được miễn trừ thuế đối với quyết định thuế quan nói trên của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nước này đã kiềm chế không theo bước Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) phản ứng thuế quan của Mỹ bằng những đe dọa tương ứng. Giới phân tích cho rằng động thái mới nhất nói trên từ phía Tokyo có thể thay đổi tình thế của nền kinh tế số 3 thế giới sau nhiều tháng đàm phán không hiệu quả.
Đài truyền hình NHK của Nhật hôm 17-5 cho biết các mức thuế nước này dự định áp đặt với hàng xuất khẩu của Mỹ có trị giá tương đương các mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật. Chính phủ Nhật chuẩn bị thông báo kế hoạch trên với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong tuần này. Đây là thủ tục cần thiết theo các quy định thương mại toàn cầu.
Thịt bò Mỹ từng bị đánh thuế nặng tại Nhật Bản vào năm 2017 Ảnh: AP
Các chuyên gia nhìn nhận đe dọa như vậy còn hơn cả một chiến thuật đàm phán để cải thiện cơ hội đạt được miễn trừ của Mỹ mặc dù đó sẽ là một bước ngoặt đáng chú ý với thái độ tương đối nhún nhường của Tokyo trước đó.
Về phía EU, dù đã nằm trong danh sách miễn trừ (hiện được gia hạn đến ngày 31-5), các lãnh đạo khối này vẫn nỗ lực thiết lập một mặt trận thống nhất đương đầu với việc ông Trump áp thuế thương mại với châu Âu, cũng như động thái rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran gần đây. Tại cuộc gặp giữa các quan chức hàng đầu của EU tại Bulgaria hôm 16-5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thúc đẩy mặt trận nói trên, đồng thời chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ hành động giống như kẻ thù hơn là một người bạn.
Trong khi đó, đàm phán về thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra trong ngày 17 và 18-5 (giờ địa phương) tại Washington để ngăn chặn những thiệt hại gây ra bởi cuộc chiến đánh thuế hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Trump đặt nhiều kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong phiên đàm phán này giữa lúc nổi lên thông tin nhân vật có những phê bình gay gắt nhất nhằm vào Trung Quốc không có tên trong đoàn đàm phán phía Mỹ.
Theo tờ The Politico, cố vấn của Nhà Trắng về thương mại và sản xuất Peter Navarro vắng mặt trong cuộc đàm phán với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu lần này. Reuters dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết tác giả cuốn "Death by China" (Chết dưới tay Trung Quốc) chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Ông từng tham gia vòng đàm phán đầu tiên diễn ra 2 tuần trước ở Bắc Kinh với nội dung xoay quanh những đòi hỏi của đôi bên. Các nguồn tin cho hay ông Navarro và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin đã tranh cãi nảy lửa ngay tại Bắc Kinh.
Bình luận (0)