Ông Yamaguchi là nghị sĩ Nhật Bản đầu tiên đến Bắc Kinh kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12-2012. Trong chuyến đi kéo dài 4 ngày này, ông Yamaguchi mang theo lá thư Thủ tướng Abe gửi cho Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hiện chưa rõ nội dung lá thư này.
Phát biểu trước thềm chuyến đi, ông Yamaguchi cho biết: “Quan hệ Nhật - Trung đã có không ít va chạm và các cuộc đối thoại chính trị không được tổ chức lâu nay. Chuyến đi này là một trong những nỗ lực nhằm mở cánh cửa dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”.
Mặt khác, theo hãng tin Kyodo, chính khách này cho rằng Nhật - Trung nên gạt sang một bên vấn đề Senkaku vào thời điểm này để giảm bớt căng thẳng trong quan hệ hiện nay. Ông đề nghị: “Hãy để việc tìm kiếm giải pháp cho các thế hệ sau. Đây là một cách để ngăn nguy cơ xảy ra những tình huống bất trắc lúc này. Nhật Bản và Trung Quốc có những lập trường mâu thuẫn nhau (về vấn đề Senkaku). Việc dùng vũ lực không phải là giải pháp cho vấn đề này”.
Ngoài ra, ông Yamaguchi còn lên tiếng kêu gọi hai nước đưa ra những biện pháp nhằm ngăn căng thẳng leo thang. Phát biểu trên đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), chủ tịch Đảng New Komeito nói: “Điều quan trọng là ngăn chặn vấn đề mở rộng và tìm cách giảm căng thẳng”. Chính khách này nói ông sẽ đề xuất việc cấm các máy bay quân sự của cả hai nước đến gần quần đảo Senkaku và việc thành lập cơ chế liên lạc song phương về vấn đề trên biển. Ông bày tỏ hy vọng sẽ gặp được Phó Chủ tịch Tập Cận Bình để trình bày cụ thể những biện pháp này.
Bất chấp chuyến đi mang tính hòa giải nói trên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy cả Nhật Bản và Trung Quốc chịu nhượng bộ về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku. Bản thân ông Yamaguchi cũng khẳng định trước chuyến đi rằng Tokyo không có kế hoạch thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku mà nước này đang kiểm soát. Ông tuyên bố: “Lập trường của chúng tôi là không có tranh chấp lãnh thổ nào tồn tại”.
Philippines đưa vấn đề biển Đông ra tòa án quốc tế Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 22-1 thông báo nước này đã quyết định đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông với Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc để phân xử theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà hai nước đã ký kết. Theo ông Rosario, quyết định trên được đưa ra sau khi “mọi nỗ lực ngoại giao, chính trị” trước đó không mang lại kết quả. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định đường 9 đoạn (đường “lưỡi bò”) mà Trung Quốc vạch ra trên biển Đông là bất hợp pháp theo tinh thần của UNCLOS. “Trung Quốc đã can thiệp vào việc thực thi những quyền hợp pháp của Philippines trong phạm vi lãnh hải của chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng rằng việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế là sự đáp trả phù hợp” - thông cáo viết. |
Bình luận (0)