Ngày 22-1, bà Mã Khắc Thanh được triệu đến để trao công hàm thông báo về quyết định của Philippines. Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lasaro, bà Mã khẳng định: "Quan điểm trước sau như một của Trung Quốc đối với những tranh chấp tại biển Đông là các bên liên quan cần giải quyết thông qua đàm phán. Điều này cũng là thỏa thuận đạt được giữa các bên liên quan trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC)”.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tại Manila vào tháng 5-2012. Ảnh: Reuters
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngày 22-1 kêu gọi một “hòa giải” giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN về tranh chấp trên biển Đông.
Khi được hỏi về quyết định pháp lý của Philippines, ông Ban cho biết: “Điều quan trọng là các nước trong khu vực giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại một cách hòa bình và hòa giải”. |
Trước đó, trong cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo Manila đã đưa các tranh chấp tại biển Đông ra Tòa án Trọng tài theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thông cáo của Philippines khẳng định nước này không chú trọng vấn đề chủ quyền các đảo trong tranh chấp trong lần đệ trình này mà chủ yếu là yêu cầu “Trung Quốc ngừng những hành động trái pháp luật xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982”.
“Philippines thực hiện bước đi này nhằm đạt được một giải pháp hòa bình và lâu bền cho tranh chấp trên biển Tây Philippines (cách nước này gọi biển Đông)” – Ngoại trưởng del Rosario nói.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng khẳng định đây là quyết định của riêng Philippines, các đồng minh quan trọng như Mỹ và Nhật không can dự vào.
Theo quy định, Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức phiên xử tại một địa điểm thứ ba được cả hai bên chấp thuận. Các bên được đề cử đại diện trong ban hội thẩm. Manila đã đề cử thẩm phán Judge Rudiger Wolfrum, chuyên gia luật quốc tế người Đức và là thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển, làm thành viên ban hội thẩm.
Bình luận (0)