Phát biểu trước báo giới sau một cuộc họp nội các, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói: “Chúng tôi đang đề nghị Trung Quốc tính đến tác động đối với môi trường và xã hội khi bảo đảm mức độ bền vững của nợ. Chúng tôi có thể cân nhắc tham gia nếu các vấn đề đó được bảo đảm. Nếu các điều kiện được đáp ứng, Nhật Bản có thể sẽ xúc tiến thảo luận song đến nay Tokyo chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào”.
Đây là lần đầu tiên Tokyo đề cập đến khả năng trở thành một phần của ngân hàng mà Mỹ đang bày tỏ lo ngại. Washington đã đưa ra các quan ngại về vấn đề quản lý và môi trường để hối thúc các nước khác cân nhắc kỹ về việc tham gia AIIB. Đến nay, khoảng 30 nước bao gồm Anh và Đức đã quyết định tham gia AIIB. Hiện Úc đang cân nhắc tham gia dù chưa có quyết định chính thức, Hàn Quốc cũng có động thái tương tự.
Ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỏ ra thận trọng khi được hỏi về AIIB, được xem là một đối thủ tiềm tàng của ADB, trong một cuộc họp báo ngày 20-3. “Có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á. Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB đã và đang giúp các nước châu Á đang phát triển để cải thiện cơ sở hạ tầng trong 50 năm qua. Họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm...” – ông nói.
Báo Úc The Sydney Morning Herald cho biết Canberra có thể đầu tư đến 2,3 tỉ USD cho AIIB. Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc bác bỏ thông tin rằng Seoul quyết định tham gia để đổi lấy 5% cổ phần trong AIIB và chức phó giám đốc ngân hàng này.
Bình luận (0)