Kể từ Thế chiến hai, Hiến pháp Nhật Bản cấm quân đội nước này can thiệp quân sự vào các quốc gia bên ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe đã chuẩn bị những thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm loại bỏ lệnh cấm kể trên.
Nếu quyết định được thực hiện, lực lượng vũ trang Nhật Bản không những có quyền tự vệ tập thể trong nước mà còn được phép trợ giúp các nước láng giềng chống lại sự tấn công từ bên ngoài. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm quân sự có thể giúp Liên Hiệp Quốc triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nhật Bản một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, động thái thay đổi Hiến pháp về quân sự của Tokyo cũng đồng nghĩa với khả năng làm cho chính quyền Bắc Kinh nổi giận, khi hai nước đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù vậy, kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm sẽ được đồng minh quân sự Washington cũng như một số quốc gia Đông Nam Á đồng tình ủng hộ.
Nội các chính quyền ông Abe dự kiến đưa ra kế hoạch chuẩn bị dỡ bỏ lệnh cấm quân sự vào ngày 1-7 tới. Trong cuộc khảo sát từ ngày 27-29/6 của tờ Nikkei, chỉ có 34 % người tham gia bỏ phiếu tán thành quyết định của nhà lãnh đạo Nhật. 50 % số cử tri phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Vào hôm 29-6, một người đàn ông đã tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở thủ đô Tokyo để phản đối đề xuất thay đổi Hiến pháp của ông Abe. Phát ngôn viên cảnh sát địa phương xác nhận vụ việc xảy ra gần nhà ga Shinjuku nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Hiện chưa rõ người đàn ông còn sống hay đã thiệt mạng.
Kể từ năm 1945, quân đội Nhật Bản không tham gia chiến đấu. Dù có lực lượng quân đội thường trực nhưng về mặt pháp lý, lực lượng vũ trang Nhật Bản bị hạn chế hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Bình luận (0)