Quá trình điều tra vụ xả súng ở TP San Bernardino - bang California hồi đầu tháng 12 đang làm dấy lên những nghi vấn về khả năng lợi dụng chương trình thị thực hôn thê/hôn phu và kết hôn giả để vào Mỹ.
Quan hệ phức tạp
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ cuộc hôn nhân của cặp đôi thủ ác Syed Rizwan Farook (27 tuổi, người Mỹ gốc Pakistan) và Tashfeen Malik (29 tuổi, gốc Pakistan) được sắp đặt nhằm che đậy một kế hoạch thánh chiến lâu dài.
Cả hai kết hôn vào tháng 8-2014 sau khi Malik vào Mỹ bằng thị thực hôn thê K-1 một tháng trước đó. Một người bạn của gia đình Malik ở Pakistan nói rằng vợ chồng thị biết nhau qua giới thiệu của gia đình vào đầu năm 2009. Tuy nhiên, luật sư của gia đình Farook cho hay cả hai biết nhau qua mạng và gặp nhau vào năm 2013.
Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhận định vụ thảm sát nói trên cho thấy chính quyền Tổng thống Barack Obama đánh giá sai về hiệu quả của tiến trình kiểm tra lý lịch người xin thị thực đến Mỹ.
Cuộc hôn nhân của Farook và Malik không phải là trường hợp đáng ngờ duy nhất. Enrique Marquez, bạn thân từ thuở bé của Farook, có khả năng cũng lợi dụng chương trình thị thực hôn thê của chính phủ Mỹ. Vài ngày trước vụ xả súng, Marquez than với bạn bè rằng hôn nhân của anh ta với cô vợ 25 tuổi Mariya Chernykh bị trục trặc.
Đáng chú ý, Chernykh là em gái của Tatiana, người đã lấy Syed Raheel Farook (anh trai kẻ xả súng Farook). Theo điều tra của đài ABC News, Chernykh là người gốc Nga và đến Mỹ năm 2009 để thăm cô chị Tatiana. Sau đó, Chernykh đăng ký kết hôn với Marquez vào tháng 11 -2014. Tuy vậy, có rất ít bằng chứng cho thấy họ là một cặp vợ chồng thật sự. Chernykh thường xuyên chia sẻ những bức ảnh chụp chung với người đàn ông khác tên Oscar Romero và một bé gái mà họ gọi là con.
Hẹn hò thánh chiến
Không chỉ có cuộc hôn nhân bị đặt dấu hỏi, Marquez còn có thể bị buộc tội hình sự vì mua 2 khẩu súng trường mà Farook sử dụng trong vụ xả súng ở San Bernardino. Càng sốc hơn khi gã thanh niên 24 tuổi này khai với cảnh sát rằng y cùng Farook từng lên kế hoạch một vụ tấn công vào năm 2012, theo đài CNN và báo The New York Times hôm 9-12. Tuy nhiên, các vụ bắt bớ liên quan đến khủng bố thời gian đó khiến cả hai chùn tay. Theo Reuters, khi Farook ngày càng sùng đạo Hồi vào khoảng năm 2008 thì Marquez cũng cải sang đạo này.
Về cuộc hôn nhân của Farook và Malik, FBI nhận định đây là sự gặp gỡ giữa 2 cá nhân bị cực đoan hóa hơn là có bàn tay sắp xếp của một nhóm khủng bố nào đó, theo Reuters. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 9-12, Giám đốc FBI James Comey nói cặp đôi đã bị cực đoan hóa riêng rẽ vào khoảng cuối năm 2013 khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chưa trỗi dậy. Đến lúc hẹn hò trên mạng, 2 nghi phạm này nói chuyện về... thánh chiến và tử vì đạo.
Dù vậy, ông Comey cho rằng hiện không có dấu hiệu về sự tồn tại của một mạng lưới IS trong lãnh thổ nước Mỹ. FBI đang tìm hiểu xem có lực lượng nào hỗ trợ hay cung cấp vũ khí cho 2 thủ phạm trong vụ xả súng làm thiệt mạng 14 người hay không. Cuộc điều tra cũng được mở rộng theo hướng liệu gia đình của Malik ở nước ngoài có bị cực đoan hay không.
Bình luận (0)