Trung Quốc (TQ) đang nhắm tới vị trí thống lĩnh khoa học và không tiếc tiền đổ vào các dự án nghiên cứu cũng như thu hút những tài năng nước nhà trong lĩnh vực này.
"Thảm họa đạo đức"
Các nhà khoa học TQ vốn đã quen với những công bố chấn động của đồng nghiệp trong cuộc chạy đua đi đầu trong lĩnh vực mà Bắc Kinh ôm tham vọng lớn này. Tuy nhiên, khi nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê thông báo ông đã tạo ra những đứa trẻ chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới hôm 26-12, nhiều nhà khoa học TQ - cũng như phần lớn đồng nghiệp các nước - đều lên án gay gắt, cho rằng đây là một bước đi quá xa.
Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng sự tập trung quá quyết liệt của TQ vào thành tựu khoa học phải trả giá bằng chính tiêu chuẩn đạo đức? GS Vương Di Phương, chuyên gia về đạo đức y học tại Khoa Nhân đạo y tế ĐH Bắc Kinh, đặt vấn đề: "TS Hạ từng nghiên cứu ở Mỹ, tại sao ông ta chỉ thực hiện điều đó (chỉnh sửa gien người) ở TQ? Điều đó có thể liên quan tới thực tế rằng chúng ta (TQ) còn lỗ hổng trong giám sát đạo đức".
Tới nay, hơn 100 nhà khoa học TQ đã lên án nghiên cứu của TS Hạ - trong đó, ông điều chỉnh gien của phôi thai được cấy vào một phụ nữ sau đó sinh đôi cặp bé gái - là "điên rồ". GS Vương Nguyệt Đan, Khoa Miễn dịch học ĐH Bắc Kinh, còn chỉ trích thẳng thừng nghiên cứu này là "thảm họa đạo đức" đối với thế giới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ TQ ngày 28-11 đã tuyên bố đình chỉ các hoạt động khoa học của ông Hạ và gọi nghiên cứu của vị tiến sĩ này là "sai trái và không thể chấp nhận được". Hiện nay, có thông tin cho biết nhà nghiên cứu gây tranh cãi này đã biến mất bí ẩn, lại có tin nói rằng ông ta đang bị quản thúc tại gia ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - phía Nam TQ…
Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê giới thiệu cuốn sách “Bộ gien người” do ông biên tập. Ảnh: REUTERS
Làm trước, tranh cãi sau!
Lãnh đạo TQ từng đặt mục tiêu biến nước này thành "cường quốc khoa học và công nghệ toàn cầu" vào năm 2049. Đối mặt bài toán dân số ngày càng già hóa nhanh chóng và đi xuống về sức khỏe, chính phủ quốc gia đông dân nhất thế giới đang chi hàng triệu USD cho mục tiêu thống lĩnh "công nghệ gien".
Để thực hiện tham vọng đó, chính phủ TQ còn tìm cách thu hút các nhà nghiên cứu của nước này được đào tạo bài bản ở phương Tây như ông Hạ Kiến Khuê. Ông Hạ là một trong những đối tượng hưởng lợi từ chương trình "Thousand Talents Plan" của chính phủ TQ - còn được biết tới là chương trình tuyển mộ chuyên gia toàn cầu, trong đó chi hàng chục ngàn USD để tài trợ nhà ở cho các nhà khoa học và chăm lo học hành cho con em họ.
Trước khi khiến cộng đồng khoa học trong và ngoài nước dậy sóng hồi tuần rồi, TS Hạ được những người quen biết xem là trường hợp thành công điển hình ở TQ. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng nghèo khó tỉnh Hồ Nam, phía Nam TQ. Theo trang tin Jiemian (TQ), khi mới chỉ là học sinh trung học, nhà khoa học tương lai này đã tự xây một phòng thí nghiệm nhỏ tại nhà với niềm tin mình có thể là Einstein của TQ. Ông tốt nghiệp ĐH Khoa học Kỹ thuật TQ chuyên ngành vật lý.
Khi sang Mỹ tu nghiệp theo học bổng của chính phủ TQ, ông Hạ nhận thấy thời kỳ hoàng kim của ngành vật lý đã qua nên chuyển sang ngành lý sinh và nghiên cứu tại ĐH Rice ở Houston. Đó cũng chính là nơi họ Hạ lần đầu tiên làm việc với CRISPR - công nghệ chỉnh sửa gien mà nhà nghiên cứu này nói rằng ông đã sử dụng để sửa sang gien của cặp bé gái song sinh nêu trên. Công nghệ này chưa từng được dùng cho thí nghiệm trên người ở Mỹ nhưng đã được các bác sĩ TQ sử dụng điều trị bệnh ung thư.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Rice, ông Hạ còn nghiên cứu ở ĐH Stanford (Mỹ). Năm 2012, ông trở về TQ và chọn Thâm Quyến làm nơi phát triển sự nghiệp. Ông thành lập 2 công ty thử nghiệm di truyền Direct Genomics và Vienomics nhằm sử dụng kỹ thuật gien cho mục đích y tế.
Theo The News York Times, nhiều nhà khoa học TQ thừa nhận sự khao khát thành công thôi thúc mạnh mẽ tới mức họ chấp nhận phương pháp tiếp cận "làm trước, tranh cãi sau". GS Vương Duyệt thuộc Khoa Nhân đạo y tế ĐH Bắc Kinh cho rằng nhiều nhà khoa học thiếu ý thức về y đức và luật lệ liên quan tới lĩnh vực này. "Sự thật là nhiều nhà khoa học quá liều lĩnh, tưởng rằng khoa học là vương quốc riêng của họ. Thế nên, họ không sẵn sàng lắng nghe thế giới bên ngoài" - GS Vương nhìn nhận.
Quy định lỏng lẻo
Tại TQ, các thử nghiệm lâm sàng chỉ được xem xét vấn đề đạo đức một lần, do ủy ban kiểm tra đạo đức của một bệnh viện đảm trách. TS Hạ ban đầu nói rằng nghiên cứu của ông đã được Ban Đạo đức Bệnh viện Harmonicare Thâm Quyến thông qua. Bệnh viện này lên tiếng bác bỏ dù một cổ đông của họ đã xuất hiện trong video của hãng thông tấn AP (Mỹ) ghi hình ông Hạ thông báo về nghiên cứu.
Rối rắm hơn, ĐH Khoa học Công nghệ Hoa Nam ở Thâm Quyến - nơi ông Hạ gắn kết - khẳng định không biết ông ta tiến hành nghiên cứu trên trẻ em, dù vị tiến sĩ quả quyết ông nhận tài trợ từ trường này. Tại hội thảo về chỉnh sửa bộ gien ở Hồng Kông hôm 28-11, ông Hạ thừa nhận đã thực hiện nghiên cứu mà không thông báo cho trường. Tại đây, ông không giấu giếm sự tự hào với nghiên cứu gây bão của mình và bày tỏ ý định sẽ "thiết kế" những đứa trẻ miễn dịch với HIV. Ông đã tìm được các cặp vợ chồng tự nguyện tham gia nghiên cứu, trong đó người chồng nhiễm HIV.
Nhiều nhà khoa học lưu ý rằng có những cách đơn giản hơn để bảo vệ thai nhi của những cặp cha mẹ nhiễm HIV. Tuy nhiên, những cặp đôi TQ hẹp cửa tiếp cận các phương pháp điều trị như vậy do luật pháp ngăn cấm người mắc "bệnh tình dục", trong đó có HIV, thụ tinh trong ống nghiệm. Đây phần nào là yếu tố giúp ông Hạ dễ tuyển các cặp đôi sống chung với HIV làm "chuột bạch" cho nghiên cứu hơn.
Kỳ tới: Thị trường 1 tỉ USD
Bình luận (0)