Những năm cuối đời ẩn náu tại TP Abbottabad - Pakistan của trùm khủng bố Osama Bin Laden mang những sắc thái hoàn toàn tương phản nhau: Hết mực quan tâm, yêu thương gia đình nhưng vẫn nuôi mơ ước thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công ngoạn mục nhằm vào “kẻ thù” Mỹ.
Thủ lĩnh mất uy
Đó là chân dung Bin Laden vẽ từ những tài liệu mà lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ thu được sau khi tiêu diệt y vào rạng sáng 2-5-2011.
Trong số những tài liệu được Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ giải mật hôm 20-5 có các lá thư trao đổi giữa Bin Laden với người thân và chỉ huy Al-Qaeda và những liên lạc giữa mạng lưới khủng bố này với các nhóm tương tự trên khắp thế giới. Nội dung những sách điện tử viết bằng tiếng Anh, báo cáo của các tổ chức và tài liệu của chính phủ Mỹ mà Bin Laden thu thập cũng được công bố lần này.
Mỹ trở thành nỗi ám ảnh không nguôi đối với Bin Laden. Theo những tài liệu trên, ngay cả khi phải trốn chui trốn nhủi và ảnh hưởng ngày càng sụt giảm, ông trùm Al-Qaeda vẫn không ngừng thúc giục thủ hạ tập trung vào mục tiêu “sát hại, chống lại người Mỹ và những đại diện của họ” thay vì bị lôi kéo vào các cuộc đấu đá nội bộ.
Trong một lá thư không đề ngày, Bin Laden khuyên các tay súng thánh chiến ở Bắc Phi “thôi đòi thành lập Nhà nước Hồi giáo” để tập trung tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sierra Leone, Togo cùng các công ty dầu khí Mỹ. Ưu tiên tấn công mục tiêu Mỹ cũng là lời nhắn nhủ mà y gửi đến chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP) hoạt động ở Yemen.
Tuy nhiên, hầu hết những lời khuyên này bị phớt lờ và các chi nhánh Al-Qaeda tiếp tục tấn công những mục tiêu ở địa phương. Thêm vào đó, trong khi Bin Laden vẫn mơ về những vụ tấn công lớn như vụ 11-9-2001 thì các thủ lĩnh khủng bố sau này ưa chuộng kiểu đột kích “sói đơn độc” hơn.
Tránh xa internet
Ngoài những tranh luận liên quan đến chiến thuật tấn công khủng bố, tài liệu còn phần nào lột tả sự hoang tưởng của Bin Laden về nỗi lo “kẻ thù truyền kiếp” Mỹ sẽ truy ra hoặc sát hại y vào những năm cuối đời.
Trong lá thư gửi cho một người vợ ở Iran trước khi sang đoàn tụ cùng mình, trùm khủng bố căn dặn phải cẩn trọng đặc biệt. “Trước khi Um Hamza sang đây, cô ấy cần để lại mọi thứ, kể cả quần áo, sách ở Iran... Một số con chip do thám được phát triển gần đây có kích thước đủ nhỏ để giấu dễ dàng bên trong ống tiêm” - Bin Laden viết trong lá thư đề ngày 26-9-2010 và được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ dịch lại.
Trong những lá thư khác, ông trùm đa nghi giải thích cho thủ hạ biết an ninh đóng vai trò tối thượng trong việc điều hành một mạng lưới thánh chiến toàn cầu. “Việc sử dụng internet có thể chấp nhận được đối với hoạt động giao tiếp thông thường. Tuy nhiên, sự bí mật của những người tham gia thánh chiến không cho phép sử dụng phương tiện này và người đưa tin là cách duy nhất” - Bin Laden viết.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục. Atiyah Abd al Rahman, còn có tên Mahmud và là cánh tay phải của trùm khủng bố này, thắc mắc trong lá thư trả lời rằng làm thế nào để liên lạc với “các huynh đệ ở Algeria, Iraq, Yemen và Somalia mà không sử dụng hình thức liên lạc qua mạng?”.
Chính sách an ninh của Al-Qaeda không chỉ dừng lại ở đó. Để tránh bị phát hiện, Bin Laden còn khuyên thuộc hạ thường xuyên tiêu hủy và thay thẻ sim điện thoại. Danh sách những phần tử Al-Qaeda bị tiêu diệt sau sự sụp đổ của chế độ Taliban ở Afghanistan năm 2001 cũng được soạn ra cùng với những sai sót phạm phải để làm bài học răn đe: Một nhóm bị ném bom sau khi sử dụng điện thoại vệ tinh, một số người khác có liên hệ với những nhân viên tình báo Pakistan hoặc tụ tập quá nhiều xe ở một chỗ.
Đối mặt các vụ tấn công của máy bay không người lái Mỹ, Al-Qaeda chỉ có thể nghĩ ra biện pháp duy nhất là... nhìn trời xem có nhiều mây không. Vì thế, trong lá thư đề ngày 24-11-2010, Mahmud trấn an Bin Laden rằng người vợ từ Iran nêu trên chỉ lên đường vào ngày trời có nhiều mây.
Góc khuất khó tin
Những tài liệu mới được công bố cũng lần đầu hé lộ một Bin Laden trái ngược với hình ảnh tàn bạo khét tiếng. Những bức thư khá tình cảm của trùm khủng bố dành cho gia đình không ít lần bộc lộ tình yêu lãng mạn với các bà vợ. Trong số 20 người con của Bin Laden, phần lớn đều dành cho cha sự ngưỡng mộ và yêu mến.
Bức thư từ người con trai Hamza viết cho Bin Laden thấm đẫm sự nhớ nhung sau 8 năm xa cách từ lúc anh ta mới 13 tuổi: “Trái tim con buồn và khao khát được gặp cha... Đôi mắt con vẫn còn nhớ lần cuối cùng nhìn thấy cha dưới tán cây ô liu và cha đưa cho chúng con mỗi người một chuỗi hạt cầu nguyện”.
Trong khi đó, trong bức thư gửi 1 trong 4 bà vợ, Bin Laden còn ngỏ ý cho phép vợ đi bước nữa. Trùm khủng bố viết: “Em chính là con người quý giá trong mắt tôi và là điều đặc biệt nhất mà tôi có được trên thế giới. Nếu em muốn đi bước nữa, tôi sẽ không phản đối. Nhưng tôi thực sự muốn em làm vợ tôi ở cõi thiên đường. Một phụ nữ khi đã cưới 2 người đàn ông, vào ngày phán xét, họ được lựa chọn ở bên cạnh 1 trong 2 người”.
Đ.Quyên
Bình luận (0)