Dù không tiết lộ tên của nghị sĩ đối lập nói trên nhưng đài Aljazeera đưa tin trước đó, tòa án Philippines đã ra lệnh bắt giữ thượng nghị sĩ Leila de Lima, một trong những người phê bình Tổng thống Rodrigo Duterte gay gắt nhất.
Theo đài CNN, cảnh sát đến văn phòng của bà De Lima tại trụ sở thượng viện ở Manila trước 8 giờ sáng 23-2 (giờ địa phương). Bà đã ở lại cả đêm tại thượng viện để tránh lệnh bắt song cuối cùng chấp nhận đi theo cảnh sát.
"Tôi tình nguyện đi theo họ. Đó là vinh dự nếu phải ngồi tù vì những gì tôi đã đấu tranh. Nếu họ nghĩ có thể buộc tôi từ bỏ các nguyên tắc bằng cách tống giam tôi, họ đã lầm. Tôi càng có động lực theo đuổi sự thật và công lý" - bà nói với phóng viên trong khi người ủng hộ hô to khẩu hiệu "Leila chiến đấu".
Bà De Lima bị cáo buộc tội “buôn bán ma túy” khi còn làm bộ trưởng tư pháp. Cụ thể, bà được cho là “điều hành một đường dây buôn lậu ma túy giai đoạn 2010-2015 dưới thời Tổng thống Benigno Aquino”.
Ngoài bà De Lima, tòa án Philippines cũng đề nghị bắt giữ một phụ tá của nữ thượng nghị sĩ này về tội thay mặt bà nhận hối lộ.
Bà De Lima bác bỏ cáo buộc, đồng thời tự gọi mình là nạn nhân của một cuộc đàn áp chính trị. Bà nói thêm đã chuẩn bị tâm lý để trở thành “tù nhân chính trị đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte”.
Trong một cuộc họp báo ngày 23-2, bà De Lima dự đoán mình sẽ bị bắt tại Thượng viện vào ngày 24-2. “Dù lệnh bắt của tòa án có vấn đề nhưng tôi sẽ không trốn tránh” – bà khẳng định.
Thượng nghị sĩ Paolo Aquino lên án “hành động đàn áp chính trị” nhằm vào đồng nghiệp của ông. Mô tả lệnh bắt của tòa án là “bất hợp pháp, vội vàng”, ông Aquino nhận định hành động này thuộc về động cơ chính trị và không nằm trong hệ thống tư pháp của Philippines.
Bà De Lima trải qua 1 đêm tại thượng viện trước khi tình nguyện đi theo cảnh sát. Ảnh: EPA
Ông Duterte, 71 tuổi, thắng cử tổng thống hồi năm ngoái sau khi cam kết trấn áp tội phạm ma túy thẳng tay. Kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 30-6-2016, hơn 7.000 người liên quan đến ma túy đã bị giết chết. Trong đó, hơn 60% số người bị giết là nạn nhân của những “sát thủ” giấu mặt.
Bà De Lima đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ nước ngoài can thiệp để chấm dứt những vụ giết người ngoài vòng pháp luật “do Tổng thống Duterte phát động”. Bà còn thúc đẩy một loạt cuộc điều tra tại Thượng viện về cáo buộc cảnh sát tham gia các vụ giết nghi phạm ma túy và những kẻ giết thuê đang hoạt động theo lệnh của cảnh sát.
Thêm vào đó, bà De Lima cũng dẫn đầu cuộc điều tra cái chết của khoảng 1.000 nghi phạm ma túy ở TP Davao, thời điểm ông Duterte còn làm thị trưởng thành phố này.
Bình luận (0)