xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước Mỹ đã khác!

MỸ NHUNG

Bom “nồi áp suất” trong vụ đánh bom Boston từng xuất hiện tại Olympic Atlanta năm 1996 và Quảng trường Thời Đại (New York) năm 2010

“Sau gần 12 năm, dường như người Mỹ đang nhìn nhận vụ tấn công khủng bố đầu tiên trên đất nước mình kể từ ngày 11-9-2001 là kinh khủng, đáng bị trừng phạt nhưng không phải là thứ hủy hoại vị thế quốc gia” - biên tập viên khu vực Bắc Mỹ của đài BBC Mark Mardell viết.

Đau buồn nhưng không tức giận

Ông Mardell cảm nhận như vậy về phản ứng của người dân Mỹ sau vụ nổ bom kép ở Giải Marathon Boston. Trong bài viết đăng ngày 16-4, ông chia sẻ: “Trong vòng chưa đầy 24 giờ sau vụ đánh bom, cảnh sát Washington DC thông báo sẽ thắt chặt an ninh nhưng người dân có vẻ không lo lắng lắm”.
 
Hỏi han một bà mẹ trẻ đang đi cùng 2 cô con gái nhỏ, ông Mardell nhận được câu trả lời: “Tôi cũng lo lắng một chút nhưng chồng tôi bảo cứ ra ngoài mà tận hưởng không khí”. Một phụ nữ khác nói: “Bạn có thể e ngại nhưng bạn sẽ không muốn sống trong lo lắng đâu”.
 
img
Nhân viên điều tra tập trung tại hiện trường vụ đánh bom ở Boston hôm 16-4.
Ảnh nhỏ: Bom "nồi áp suất" dùng trong vụ tấn công. Ảnh: REUTERS, AP
 
Tâm trạng của nước Mỹ sau vụ đánh bom Boston nhuốm một màu buồn đau và sợ hãi nhưng tuyệt không có bóng dáng của sự giận dữ hay hừng hực khí thế trả thù nhân danh chủ nghĩa yêu nước như sau vụ 11-9-2001. “Hoặc thái độ của người dân đã thay đổi hoặc mọi người còn quá mù mờ để phản ứng” - ông Mardell đặt câu hỏi.
 
Sự hỗn loạn trong tâm trí người dân Mỹ có thể thấy phần nào qua phát biểu mới nhất của Tổng thống Barack Obama trong ngày 16-4: “Chúng ta biết bom đã nổ. Chúng ta biết hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng chúng ta chưa biết ai làm, một cá nhân, nhiều cá nhân hay một tổ chức. Chúng ta cũng không biết động cơ là gì”.
 
Dù vậy, ông đã gọi đích danh vụ đánh bom là “hành động khủng bố”, từ mà ông tránh dùng khi phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngay tối 15-4. “FBI đang điều tra vụ này theo hướng khủng bố. Bất cứ quả bom hẹn giờ nào nhắm vào dân thường vô tội đều là hành động khủng bố” - ông Obama nhấn mạnh.
 
Như vậy, cũng như tổng thống của mình, có lẽ người dân Mỹ sẽ phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn khi họ biết chắc thủ phạm, ông Mardell kết luận.

Lộ diện bom "nồi áp suất"

Ngày 16-4, thành phố Boston tổ chức lễ tưởng niệm cho 3 nạn nhân thiệt mạng, gồm bé Martin Richard (8 tuổi), cô Krystle Campbell (29 tuổi, đều ở bang  Massachusetts) và một nữ sinh viên người Trung Quốc đang học cao học tại Đại học Boston. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự một tang lễ đặc biệt vào ngày 18-4.

Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố sẽ đi “cùng trời cuối đất” để tìm cho ra thủ phạm. Ông Richard DesLauriers, người đứng đầu FBI tại Boston, cho hay: “Đây sẽ là cuộc điều tra toàn cầu. Chỉ riêng ở Boston, hiện đã có hơn 1.000 nhân viên an ninh vào cuộc truy lùng”. Tuy nhiên, đến nay cảnh sát vẫn chưa bắt ai cũng như chưa có manh mối về động cơ.

Những tiết lộ ban đầu về thiết bị nổ dẫn đến suy đoán có sự nhúng tay của al-Qaeda. Theo FBI, ít nhất chứng thực được có 1 quả bom “nồi áp suất” nhồi đầy mảnh kim loại, đinh sắt và ổ bi. Chúng được đặt trên mặt đất nên khiến nhiều nạn nhân bị mất chân. Loại bom thô sơ dễ chế tạo này thường được dùng ở Iraq, Afghanistan và có “lịch sử tồn tại” lên đến 40 năm.
 
Nó từng được sử dụng trong vụ đánh bom tại Olympic Atlanta năm 1996 khiến 2 người chết, 150 người bị thương và sau đó là tại Quảng trường Thời Đại ở New York năm 2010. Cùng năm đó, al-Qaeda thậm chí còn đăng tải trên mạng một bảng hướng dẫn tự chế bom bằng nồi áp suất và kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công bằng loại bom này.
 
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết chưa thấy dấu hiệu nào liên quan tới al-Qaeda trong khi Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano nói có thể vụ tấn công Boston không nằm trong một kế hoạch nào khác lớn hơn.
 
Trong số hình ảnh, video liên quan đến vụ nổ mà người dân cung cấp theo đề nghị của cảnh sát, đã xuất hiện một số nhân vật khả nghi. Được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội là nhân vật bí ẩn đi lại trên nóc khách sạn Charlesmark gần vạch đích cuộc thi marathon do một phụ nữ Canada tên là Sandra Sukstorf và sinh viên đại học Dan Lampariello cùng chụp lại được.
 
Trong một đoạn video khác được gửi tới FBI, có thể thấy rõ một người đàn ông trong bộ quần áo đen rách bươm nhanh chóng chạy khỏi hiện trường trong khi những người khác co rúm lại trong vài giây - phản ứng thường thấy trước một vụ nổ bất ngờ.
 

Phát hiện thư chứa chất độc  gửi đến thượng nghị sĩ Mỹ

Lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ quốc hội Mỹ hôm 16-4 cho biết đã phát hiện và ngăn chặn một bức thư có chứa chất độc chết người ricin gửi tới địa chỉ của thượng nghị sĩ Roger Wicke thuộc Đảng Cộng hòa. Theo tạp chí The New Yorker, vụ việc diễn ra 1 ngày sau 2 vụ đánh bom tại thành phố Boston, gợi lại những diễn biến tương tự xảy ra ngay sau sự kiện khủng bố 11-9-2001. Khi đó, một loạt bức thư và gói bưu kiện có chứa bột trắng gây bệnh than được gửi đến một số tổ chức truyền thông và văn phòng 2 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, khiến 5 người thiệt mạng.

Dù vậy, vẫn còn quá sớm để xác định liệu lá thư chứa chất độc nói trên có liên quan đến các vụ đánh bom ở Boston hay không. Cục Điều tra Liên bang và lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ quốc hội Mỹ đang điều tra vụ việc. Hiện tất cả những hộp thư của các nghị sĩ và trạm bưu chính trong Tòa nhà Quốc hội đã tạm thời đóng cửa đề phòng. Các nghị sĩ cũng nhắc nhở nhân viên nâng cao cảnh giác.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo