Trả lời phỏng vấn đài Fox News (Mỹ) hôm 18-9, ông Assad nói Syria sẵn sàng giao vũ khí hóa học cho bất cứ nước nào dám nhận tiêu hủy. “Tôi nghĩ đó là một chiến dịch rất phức tạp và cần rất nhiều tiền, khoảng 1 tỉ USD. Thời gian cần là chừng 1 năm hoặc nhiều hơn một chút” – ông Assad nói.
Tổng thống Assad khuyên giới lãnh đạo Mỹ "lắng nghe người dân"
khi làn sóng phản đối tham chiến tại Syria ngày càng dâng cao. Ảnh: SANA
Tổng thống Syria nhấn mạnh chính phủ ông không gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21-8. Ông khẳng định: “Chúng tôi có chứng cứ rằng các nhóm khủng bố đã dùng khí độc sarin. Khí Sarin còn được gọi là khí độc nhà bếp bởi lẽ ai cũng có thể tự tạo sarin tại nhà riêng. Chúng ta đều biết rằng bọn nổi dậy được nhiều chính phủ hậu thuẫn”. Câu nói này ám chỉ có thể các nước khác đứng sau vụ tấn công.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay tổng thống Syria đã gửi lời cảm ơn Nga vì giúp “đập tan cuộc tấn công thù địch và chủ nghĩa khủng bố được các nước Ả Rập, khu vực và phương Tây hậu thuẫn”. Ông Ryabkov tới Damascus hôm 18-9 và có cuộc gặp với Tổng thống Assad. Trong cuộc gặp này, ông Assad khen ngợi Nga đang “tạo nên một sự cân bằng toàn cầu mới”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow sẽ giao Hội đồng Bảo an các chứng cứ cho thấy phe nổi dậy là thủ phạm vụ tấn công ngày 21-8. Theo ông Lavrov, chứng cứ này cho chính phủ Syria cung cấp, tuy nhiên ông cũng chưa được xem.
Nga đã chỉ trích báo cáo mà Liên Hiệp Quốc công bố ngày 16-8, gọi đó là “một chiều và thiên vị”. Liên Hiệp Quốc phản công bằng cách gọi kết quả điều tra của họ là “không thể tranh cãi”.
Mỹ tiếp tục đe dọa tấn công
Ngày 18-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết quân đội nước này sẽ duy trì lời đe dọa dùng vũ lực nếu chính quyền Damascus không tuân thủ thỏa thuận giao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học cho quốc tế. "Chúng tôi đã cam đoan với tổng thống rằng sẽ giữ nguyên tình trạng khí tài và lực lượng. Chúng tôi sẵn sàng tiến hành mọi phương án mà ông ấy lựa chọn" - ông Hagel nói rõ.
Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ không có kế hoạch rút các tàu khu trục ra khỏi phía đông Địa Trung Hải.
Ông Hagel và Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng cho biết Washington đang cân nhắc chuyển nhiệm vụ vũ trang cho phe nổi dậy Syria từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sang cho Lầu Năm Góc, trong đó sẽ bao hàm viện trợ quy mô lớn hơn. |
Bình luận (0)