Ông Trump viết trên mạng Twitter kèm bức ảnh chú thích rõ ràng về khu vực xảy ra vụ nổ: "Tôi gửi đến Iran những lời chúc tốt đẹp nhất và chúc họ may mắn trong việc xác định điều gì đã xảy ra tại điểm phóng. Mỹ không liên quan đến sự cố thê thảm trong quá trình chuẩn bị phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh Safir".
Những lời bình luận của ông Trump trên Twitter dường như ám chỉ vụ phóng tên lửa thất bại tại trung tâm vũ trụ ở miền Bắc Iran một ngày trước đó.
Ảnh khu vực vụ nổ được ông Trump đăng trên Twitter. Ảnh: Twitter
Ảnh vệ tinh cho thấy cột khói đen lớn bốc lên từ bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Imam Khomeini hôm 29-8. Quan chức Iran giấu tên cho biết vụ nổ bắt nguồn từ sự cố kỹ thuật. Đây là lần thứ 3 Iran thất bại khi phóng vệ tinh trong năm nay.
Theo đài Sputnik, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng Tehran không loại trừ khả năng Mỹ dính líu trong nỗ lực phá hoại chương trình không gian của Iran.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với đài CNBC rằng bức ảnh được đăng tải trên mạng Twitter của ông Trump dường như là bản sao bức ảnh vệ tinh được công bố trong cuộc họp tình báo hôm 30-8.
Nói với các phóng viên trước khi rời Nhà Trắng hôm 30-8, ông Trump nói rằng ông có quyền công bố bức ảnh nói trên. Hiện không rõ phản ứng của ông Trump nhằm gửi thông điệp đến ai hoặc liệu Mỹ có bị cáo buộc nhúng tay vào vụ nổ tại khu vực phóng tên lửa của Iran hay không. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa phản hồi về những thông tin trên.
Nhưng bức ảnh về khu vực nổ nhanh chóng khiến các chuyên gia an ninh quốc gia hoài nghi khi họ cho rằng những hình ảnh rõ ràng như thế hiếm khi được công khai.
Bà Melissa Hanham, phó giám đốc Mạng lưới hạt nhân mở, cho biết: "Tôi không thấy điều này là tốt. Ông ấy không nên chia sẻ nó". Bà Hanham cho rằng bức ảnh được chụp từ một máy bay tầm cao sử dụng công nghệ theo dõi, chẳng hạn như RC-135S Cobra Ball hoặc một máy bay tương tự.
Ông Joshua Pollack, một chuyên gia về không phổ biến hạt nhân, cho biết: "Điều này sẽ gây hậu quả toàn cầu. Đây hoàn toàn là một sự bất cẩn. Thật liều lĩnh".
Vụ phóng vệ tinh của Iran đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Tehran đang thử nghiệm công nghệ gần như giống hệt với công nghệ được sử dụng trong tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên, Tehran khẳng định rằng hoạt động trên không phải là vỏ bọc cho sự phát triển tên lửa đạn đạo.
Bình luận (0)