Ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un vừa cho xây dựng nhà máy Ryugyong có thể sản xuất 4.200 tấn kimchi mỗi năm.
Theo giám đốc Paek Mi-hye, nhà máy này ra đời nhằm thay thế cơ sở cũ và chính thức đưa vào hoạt động hồi tháng 6 năm ngoái. Bà Paek nhấn mạnh ngay cả một món ăn cổ xưa như kimchi cũng có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới của khoa học.
Ryugyong có 150 công nhân nhưng nhà máy phần lớn dùng dây chuyền tự động hóa. Bà Paek nói mục tiêu chính của nhà máy là vận hành "khoa học" ở mọi khâu sản xuất, đảm bảo chất lượng và vệ sinh thực phẩm.
Nhân viên tại nhà máy Ryugyong. Ảnh: AP
Ryugyong cũng tự hào vì sở hữu hệ thống phân tích kimchi giúp duy trì độ mặn và axit lactic phù hợp. Các sản phẩm kimchi của nhà máy được phân phối tới nhà hàng và cửa hàng tạp hóa xung quanh thủ đô Bình Nhưỡng.
Nhà máy này là một phần trong nỗ lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước và sản xuất ra nhiều sản phẩm tiêu dùng chất lượng hơn.
Chiến lược của ông Kim Jong-un, gọi là byungjin, nhằm phát triển nền kinh tế song song với chương trình vũ khí hạt nhân.
Nguyên liệu tại nhà máy chuẩn bị đưa vào sản xuất kimchi. Ảnh: AP
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên đang ở mức vừa phải và sản xuất nông nghiệp được cải thiện. Trong khi đó, khoa học ứng dụng - theo các nhà hoạch định chính sách của Triều Tiên - là điều tối quan trọng trên mọi mặt trận.
Trước đây, tại Triều Tiên và Hàn Quốc, kimchi được làm dựa trên công thức truyền từ mẹ sang con hoặc mẹ chồng sang con dâu. Vào năm 2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã bổ sung kimchi vào danh sách "di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại".
Bình luận (0)