Phát biểu trên được ông McCain đưa ra hôm 25-2.
Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh rằng hai nước không nên tuần tra ở những tuyến hàng hải liên quan tới tranh chấp giữa các nước, vốn đang là tâm điểm tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết biển Đông. Nguyên nhân ông đưa ra là dư luận Ấn Độ chưa sẵn sàng cho một hành động như vậy.
Mỹ - Philippines trong một cuộc tập trận trên biển. Ảnh: PHILSTAR
Phát biểu với các phóng viên, ông McCain nói: “Tôi sẽ nghiêng về hướng đó (cuộc tuần tra chung giữa Ấn Độ và Mỹ ở biển Đông). Thế nhưng, cần phải tạo ra lộ trình thuận lợi trước khi tuyên bố. Tôi cho rằng đây là thời điểm rất tốt để tuyên bố là đang xem xét. Ngay từ bây giờ, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho công chúng Ấn Độ về việc đó”.
Theo ông McCain, điều đó không có nghĩa là hình thành liên minh quân sự chính thức mà là tất cả những gì nhằm nâng cao quan hệ ngoại giao, quân sự cùng nhiều lĩnh vực khác.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ là một trong những chính trị gia hàng đầu của Mỹ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi nhậm chức năm 2014. Ông McCain không ngớt lời tán tụng Thủ tướng Ấn Độ: “Tôi là người hâm mộ Thủ tướng Modi. Tôi nghĩ ông ấy sẽ thể hiện khả năng lãnh đạo tương xứng với tầm vóc và ảnh hưởng của Ấn Độ”.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về biển Đông ngày càng nghiêm trọng. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 25-2 lớn tiếng kêu gọi các lực lượng của nước này “nhả đạn” hoặc “đâm vào tàu chiến Mỹ” ở biển Đông “để dạy cho Washington một bài học”.
Phía Mỹ có lẽ không đếm xỉa đến "bài học" này bởi tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 25-2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris, tiếp tục tố cáo Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát “trên thực tế” tại biển Đông, thông qua việc xây dựng các căn cứ không quân, bố trí các hệ thống tên lửa và radar hiện đại, gia cố các boong-ke trên các hòn đảo mà nước này chiếm đóng hoặc bồi lấn trái phép ở biển Đông.
Đô đốc Harris cho biết ông lo ngại nhất là việc Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng chỉ trích sự hiện diện quân sự trái phép của Trung Quốc ở biển Đông làm dấy lên nguy cơ “tính toán sai, thậm chí xung đột”. Ông Carter khẳng định các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines, Ấn Độ.. đang nỗ lực hợp tác với Mỹ để bảo vệ an ninh hàng hải trước mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc.
Bình luận (0)