Trước chiến thắng của ông Netanyahu, Thủ tướng Anh David Cameron đã gửi lời chúc mừng nhưng nhấn mạnh rằng ông muốn nhìn thấy hòa bình và giải pháp 2 nhà nước Israel- Palestine.
Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc đã thúc giục lãnh đạo này tiếp tục bàn về giải pháp cho vấn đề Palestine khi mà lời tuyên bố từ bỏ tiến trình hòa bình Trung Đông của ông Netanyahu dẫn đến áp lực gia tăng từ phương Tây.
Ông Benjamin Netanyahu dọa từ bỏ hòa đàm Trung Đông. Ảnh: Reuters
Farhan Haq, phát ngôn viên LHQ, kêu gọi chính phủ mới của Israel tham gia hòa đàm để dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine. Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini cũng gửi lời chúc mừng ông Netanyahu thắng cử nhưng không quên thúc giục ông tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng: “Chính sách của Mỹ trong 20 năm qua là theo đuổi một giải pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel - Palestine”. Người này nói thêm Mỹ sẽ “đánh giá lại cách tiếp cận” trước tuyên bố của ông Netanyahu - sẽ không có nhà nước Palestine nếu ông tái đắc cử.
Ông Earnest nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa gửi lời chúc mứng chiến thắng của Thủ tướng Netanyahu nhưng ông sẽ làm thế trong vài ngày tới khi lãnh đạo Israel thành lập chính phủ mới.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho hay ông sẽ làm việc với bất kỳ chính phủ nào của Israel miễn là họ chấp nhập giải pháp 2 nhà nước.
Trước đó, Ủy ban Bầu cử trung ương Israel ngày 18-3 công bố Đảng Likud giành được 30 trong tổng số 120 ghế quốc hội. Đối thủ chính của Likud là Liên minh phục quốc Do Thái (Zionist Union) do ông Isaac Herzog đứng đầu giành được 24 ghế. Theo hãng tin AP, ông Herzog đã gọi điện chúc mừng Thủ tướng Netanyahu.
Kết quả nói trên được cho là bất ngờ vì tất cả các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử đều cho kết quả Likud bị Zionist Union qua mặt với khoảng 3-5 ghế. Theo các nhà phân tích, sự sai lệch này có thể đến từ việc khoảng 20% cử tri Israel vào giờ chót mới đưa ra quyết định bỏ phiếu cho ai.
Do không đủ số phiếu để tự thành lập chính phủ mới nên Likud sẽ phải thương lượng với những đồng minh truyền thống - các đảng tôn giáo và dân tộc chủ nghĩa - để thành lập chính phủ liên minh mới. Nếu được bổ nhiệm làm thủ tướng lần nữa, ông Netanyahu - người từng được tạp chí Time đặt biệt danh “Vua Bibi” - sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nhà nước Israel, phá kỷ lục của vị thủ tướng đầu tiên David Ben Gurion. Tính đến lúc này, ông Netanyahu đã làm thủ tướng 3 nhiệm kỳ với tổng thời gian 9 năm.
Theo báo Telegraph (Anh), chính phủ mới của Israel nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama về giải pháp 2 nhà nước cho cuộc đối đầu Israel - Palestine. Trong chiến dịch nước rút trước bầu cử, ông Netanyahu thẳng thừng tuyên bố sẽ không có nhà nước Palestine một khi ông vẫn giữ cương vị thủ tướng.
Bình luận (0)