Tổng thống Obama đã lặp lại lời cảnh báo mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra trước đó vài giờ ở Prague - Cộng hòa Czech.
“Tôi muốn Tổng thống Assad và những người dưới quyền của ông ta hiểu rằng cả thế giới đang theo dõi. Việc sử dụng vũ khí hóa học hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu ông Assad sử dụng loại vũ khí này, ông ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi chỉ đơn giản không cho phép thế kỷ 21 bị nhấn chìm trong những loại vũ khí tồi tệ nhất của thế kỷ 20” - Tổng thống Obama phát biểu tại trường đại học Quân sự Quốc gia ở Fort McNair hôm 3-12.
Người dân rời khỏi nhà sau khi đợt oanh tạc của quân chính phủ ở Houla, gần Homs, hôm 3-12 (Ảnh: REUTERS)
Trước đó cùng ngày, bà Clinton buộc phải lặp lại giới hạn đỏ đối với vấn đề này ở Prague sau khi tình báo Mỹ phát hiện việc di chuyển vũ khí hóa học ở Syria trong những ngày gần đây.
Phản ứng trước tuyên bố của bà Hillary, Bộ Ngoại giao Syria nhắc lại cam kết không sử dụng kho vũ khí hóa học chống lại người dân của mình. “Syria đã nhiều lần nhấn mạnh trực tiếp với Mỹ hoặc thông qua Nga rằng thậm chí nếu có, nước này cũng sẽ không sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào” – một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Syia cho biết.
Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Syria được cho là đang sở hữu nhiều loại vũ khí giết người hàng loạt, trong đó có khí mù tạt và sarin, tại hàng chục địa điểm khắp đất nước. Những vũ khí này có thể được thả bằng máy bay, tên lửa đạn đạo và đạn pháo. Hiện Washington đang chuẩn bị những kế hoạch dự phòng do lo ngại chính quyền Syria sẽ sử dụng loại vũ khí chết người trên.
Một tòa nhà bị phá hủy sau khi máy bay của quân chính phủ không kích ở Houla, gần Homs,
hôm 3-12 (Ảnh: REUTERS)
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở Syria tiếp tục leo thang và gây nguy hiểm cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo. Liên hiệp Châu Âu (EU) vừa giảm các hoạt động tại Damascus xuống mức thấp nhất do lo ngại về tình trạng an ninh hiện tại. Liên Hiệp Quốc cũng sơ tán trước một số nhân viên vì tình hình an ninh ngày càng tồi tệ. Theo kế hoạch, khoảng 25 - 100 nhân viên quốc tế sẽ lần lượt được rút khỏi Syria trong tuần này.
Trước đó, hãng hàng không Ai Cập Egypt Air cũng cho một chuyển bay quay trở lại khi đang trên đường đến Damascus, trong bối cảnh có báo cáo về tình hình an ninh tồi tệ quanh khu vực sân bay.
Theo thông tin của giới ngoại giao, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi, người mạnh mẽ bênh vực cuộc đàn áp của Tổng thống Assad, vừa rời khỏi nước này để tới London - Anh.
Những chiếc xe tăng mà lực lượng nổi dậy tuyên bố lấy được từ quân chính phủ (Ảnh: REUTERS)
Quân nổi dậy xuất hiện ở Houla, gần Homs, hôm 3-12 (Ảnh: REUTERS)
Hiện chính quyền của ông Assad tiếp tục kiểm soát thủ đô, một phần thành phố Aleppo và một số trung tâm quan trọng khác. Tuy nhiên, quân nổi dậy đang lên kế hoạch chiếm đóng Damascus từ những vùng lân cận.
Các nhà hoạt động cho biết những quận phía Nam nằm trong tay lực lượng nổi dậy ở thủ đô bị nã bom nặng nề, các vụ đụng độ xảy ra liên tiếp tại bệnh viện quân đội Tishreen tại quận Barzeh, phía Bắc Damascus.
Bình luận (0)