Cựu Tổng thống Barack Obama vừa có hành động hiếm thấy trong chính trường Mỹ: Công khai chỉ trích người kế nhiệm, thay vì tiếp tục nghỉ hưu trong yên tĩnh.
Cuộc đối đầu được mong đợi
Trong bài diễn văn đọc tại trước đám đông sinh viên tại Trường ĐH Illinois Urbana-Champaign ở bang Illinois hôm 7-9, ông Obama nói rõ về những hậu quả của việc giữ im lặng trước những gì xảy ra kể từ khi ông Donald Trump kế nhiệm mình. Trong nhiều tháng liền, vị tổng thống thứ 44 của Mỹ là hình mẫu của sự kiên nhẫn và kiềm chế bất chấp làn sóng chỉ trích, công kích - một số mang tính cá nhân và vô căn cứ - từ ông Trump. Các phụ tá thân cận với ông Obama tiết lộ ông giữ im lặng vì không muốn sa đà vào tranh cãi "ăn miếng trả miếng".
Giờ đây, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần, cuộc đối đầu rất được mong đợi giữa 2 ông Obama và Trump rốt cuộc đã xảy ra. Lần đầu tiên kể từ khi rời Nhà Trắng, ông Obama đã công khai nói đến cái tên Donald Trump 2 lần trong bài diễn văn trước công chúng dù không hề nhắc đến chức vụ của ông.
Thay vào đó, ông không ngần ngại công kích ông Trump vì một loạt hành vi như tỏ ra "thân thiện" với Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc không ngừng chỉ trích giới truyền thông. Dù vậy, ông Obama nhận định người kế nhiệm mình chỉ là "triệu chứng, không phải nguyên nhân" của cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong nền dân chủ Mỹ. Ông đặc biệt công kích Đảng Cộng hòa vì tỏ ra rụt rè, không dám phản đối thứ chính trị đầy rẫy thuyết âm mưu và sự oán giận.
Phản ứng ban đầu của ông Trump với bài diễn văn trên của người tiền nhiệm lại không gay gắt như người ta tưởng. Ông chủ Nhà Trắng nói đùa rằng đã ngủ giữa chừng khi xem nó, cũng như "khen" ông Obama có tài ru ngủ. Phát biểu sau đó tại cuộc vận động tranh cử cho ứng viên thượng nghị sĩ Kevin Crammer tại TP Fargo, bang Bắc Dakota, Tổng thống Mỹ bác bỏ những chỉ trích của ông Obama và chế giễu người tiền nhiệm về các thành tựu kinh tế đạt được.
Cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Trường ĐH Illinois Urbana-Champaign hôm 7-9 Ảnh: REUTERS
Hy vọng và rủi ro
Dư luận Mỹ chắc chắn sẽ còn chứng kiến 2 ông Obama và Trump tiếp tục khẩu chiến từ giờ đến khi cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 4-11 tới. Theo sau bài diễn văn, ông Obama dự định tham gia vận động tranh cử cho một loạt ứng viên Đảng Dân chủ, khởi đầu ở bang California ngày 8-9 và bang Ohio vào tuần sau. Không thua kém, ông Trump có kế hoạch tiếp tục tham dự các sự kiện vận động tranh cử ở các bang Missouri và Mississippi trong tuần tới.
Tờ USA Today nhận định dù có phong cách trái ngược nhau, 2 ông Obama và Trump đang nỗ lực vì mục tiêu giống nhau - tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri và thúc giục họ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử còn được xem là trưng cầu ý dân về "màn trình diễn" của ông chủ Nhà Trắng từ đầu nhiệm kỳ đến giờ. Với ông Trump, thông điệp gửi đến cử tri là việc để Đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội sẽ đe dọa đất nước vì họ khi đó không đồng ý làm việc với ông.
Trong khi đó, ông Obama nhấn mạnh đã đến lúc cử tri của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa gạt sang một bên những khác biệt và hành động vì nước Mỹ. Ông đặc biệt kêu gọi người trẻ tuổi bỏ phiếu, vận động tranh cử và đấu tranh vì nền dân chủ của mình.
Đài CNN nhận định sự trở lại chính trường của ông Obama sau 19 tháng "im hơi lặng tiếng" mở ra hy vọng mới cho Đảng Dân chủ nhưng cũng ẩn chứa rủi ro. Là nhân vật không được nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông Trump ưa thích, ông Obama có thể trở thành chất xúc tác cho phe chống đối mình. Ngay cả một số nghị sĩ Đảng Dân chủ lo ngại cuộc bầu cử sắp tới có thể bị chi phối bởi "đấu đá cá nhân" thay vì các bận tâm của cử tri.
Đài Fox News cho biết 3 ưu tiên của ông Obama là giúp Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát hạ viện, giành thêm ghế tại thượng viện và ủng hộ các ứng viên đảng này trong cuộc đua tại các bang. Vẫn còn quá sớm để biết được nỗ lực của ông Obama có mang lại kết quả đáng kể hay không. Dù vậy, có một điều rõ ràng là cuộc đối đầu giữa 2 ông Obama và Trump khiến chiến dịch tranh cử trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
Bình luận (0)