Trung Quốc luôn khắc cốt ghi tâm vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937, trong đó binh lính Nhật Bản được cho là giết chết 300.000 người dân nước này. Vụ thảm sát khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trở nên lục đục và không nhìn mặt nhau mỗi khi nhắc lại lịch sử đau đớn.
Sau đợt thăm đền Yasukuni, nơi thờ phụng cả tội phạm chiến tranh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Trung Quốc càng tức giận vì cho rằng Nhật Bản đang khơi gợi lại vết thương chưa lành trong quá khứ. Gần đây, tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông càng khiến cho quan hệ hai nước thêm tồi tệ.
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) tham dự ngày tưởng niệm quốc gia về cuộc thảm sát Nam Kinh hôm 13-12.
Ảnh: AP
Tuy nhiên, phát biểu tại đài tưởng niệm ở phía Đông TP Nam Kinh hôm 13-12, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi nén lại nỗi đau quá khứ để hướng về tương lai. Ông kêu gọi người dân Trung Quốc và Nhật Bản hãy dẹp hận thù sang một bên, vì đó là tội ác do một bộ phận thiểu số quân phiệt gây ra.
Trước mắt, Bắc Kinh và Tokyo cần hợp tác phát triển kinh tế và theo ông Tập, hận thù và hợp tác phải phân biệt rạch ròi, tránh để hận thù ảnh hưởng tới những nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước.
Ông nói: “Quên lịch sử là một sự phản bội. Phủ nhận một tội ác là gieo mầm mống cho tội ác thứ hai. Chúng ta không nên ghét một dân tộc vì một bộ phận thiểu số gây ra cuộc chiến tranh xâm lược… Nhưng tội ác của chúng sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Trong một bài bình luận, hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh: “Vết nhơ lịch sử khiến quan hệ hai nước gặp trở ngại. Cách tốt nhất là phải thừa nhận chân thành và ăn năn về những tội lỗi thời chiến, chứ không phải là cố gắng chối bỏ”.
Bình luận (0)