Nếu diễn ra, đây sẽ là thách thức trực tiếp đầu tiên đối với tính hợp pháp của chính quyền quân sự Thái Lan theo sau vụ đảo chính.
Thông tin về kế hoạch được ông Robert Amsterdam, cố vấn pháp lý của ông Thaksin, tiết lộ. Theo ông Amsterdam, một số nước đã đề nghị cho chính phủ lưu vong của ông Thaksin đặt trụ sở, và ông Thaksin đang thương thảo về vấn đề này. Hiện danh tính những nước này chưa được công bố.
Giới phân tích nhận định kế hoạch trên cho thấy ông Thaksin và phe "áo đỏ" ủng hộ ông đang sẵn sàng leo thang cuộc đối đầu với quân đội trong thời gian tới.
Phóng viên báo The Nation Pravit Rohanaphruk ra trình diện quân đội sau khi bị triệu tập
Ảnh: The Straits Times
Kế hoạch trên được tiết lộ trong bối cảnh chính quyền quân sự đang tăng cường củng cố quyền lực sau khi lật đổ chính phủ tạm quyền.
Sau khi giải tán thượng viện hôm 24-5, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha chuẩn bị bổ nhiệm một hội đồng lập pháp do chính ông lựa chọn. Ngoài ra, quân đội còn tăng cường triệu tập các học giả, phóng viên và nhà bình luận trong nỗ lực trấn áp những tiếng nói phản đối đảo chính. Phóng viên báo The Nation Pravit Rohanaphruk hôm 25-5 đã ra trình diện quân đội sau khi bị triệu tập.
Quân đội cũng tìm cách trấn dư luận khi cho biết những nhân vật đồng ý ra trình diện sẽ không bị truy tố và sẽ được thả sau 1 tuần. Tuy nhiên, những ai chống đối lệnh triệu tập sẽ bị truy tố.
Lo ngại tác động tiêu cực của cuộc đảo chính đối với kinh tế, ngành công nghiệp du lịch Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi nhanh chóng lập chính phủ mới để đưa du khách trở lại nước này. Pornthip Hirunkate, phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan cho biết: "Chúng ta cần có một chính phủ mới càng sớm càng tốt nếu không đất nước sẽ chịu tác động tiêu cực". Theo ông Pornthip, đã có hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đưa ra cảnh báo đi lại đối với Thái Lan sau cuộc đảo chính. Ngoài ra, không ít du khách đã hủy kế hoạch du lịch nước này.
Bình luận (0)