Sau chiến thắng gây sốc của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua, điều dư luận trong và ngoài nước Mỹ quan tâm lúc này là chính quyền sắp tới sẽ có diện mạo thế nào.
Lựa chọn gây bối rối
Trong bước đi khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực, tổng thống Mỹ đắc cử vào cuối tuần rồi bổ nhiệm ông Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng và ông Stephen Bannon làm nhà chiến lược trưởng kiêm cố vấn cấp cao.
Hai lựa chọn này được cho là nhằm mang lại sự cân bằng bởi giữa 2 ông Priebus và Bannon có nhiều điểm trái ngược.
Tuy nhiên, nhà bình luận Sarah Elizabeth Cupp của tờ New York Daily News hôm 14-11 chỉ trích với 2 lựa chọn nói trên, ông Trump đã phạm sai lầm lớn trong kỳ sát hạch quan trọng đầu tiên kể từ khi thắng cử. Theo bà Cupp, thông điệp từ động thái này chỉ càng khiến dư luận bối rối và lo lắng bởi họ vẫn chưa rõ phiên bản nào của ông Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng thông qua việc lựa chọn một nhân vật nắm rõ chính trường như ông Priebus, tỉ phú Trump muốn phát đi tín hiệu hòa giải và sẵn sàng làm việc với quốc hội theo sau chiến dịch tranh cử “nổi loạn”, qua đó trấn an những thành viên ôn hòa trong Đảng Cộng hòa và thậm chí là một số người của Đảng Dân chủ. Điều gây thắc mắc là ông Priebus không khác gì hiện thân của tầng lớp có quyền thế mà chiến dịch tranh cử của ông Trump thường xuyên công kích.
Ông Donald Trump (bìa trái) gây nhiều tranh cãi khi chọn ông Stephen Bannon (bìa phải) làm nhà chiến lược trưởng. Ảnh: AP
Ông Bannon còn gây tranh cãi hơn bởi đây là nhân vật từng có những phát ngôn, tư tưởng mang tính dân tộc chủ nghĩa và gây chia rẽ. Trang tin Breitbart News của ông này bị xem là chứa đầy nội dung chống người Do Thái, kỳ thị người đồng tính, ghét phụ nữ, phân biệt chủng tộc...
Bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, gọi sự bổ nhiệm này là đáng báo động trong lúc Thượng nghị sĩ Jeff Merkley kêu gọi ông Trump rút lại quyết định. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cũng choáng váng.
Ông John Weaver, nhà chiến lược hàng đầu của Thống đốc bang Ohio John Kasich, kêu gọi nước Mỹ cảnh giác trước sự xuất hiện của “một nhân vật cực hữu, phân biệt chủng tộc và phát xít” bên cạnh ông Trump tại Nhà Trắng.
Ai làm ngoại trưởng?
Gạt sang một bên những tranh cãi, những quyết định trên được kỳ vọng sẽ giúp nhóm của ông Trump tập trung xác định 15 thành viên nội các và hơn 1.000 vị trí cấp cao cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Trong số này, vị trí ngoại trưởng đang bị “soi” gắt gao vì nó sẽ tác động mạnh đến quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Truyền thông Mỹ hôm 14-11 đề cập đến 2 cái tên nổi bật cho vị trí này - cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton.
Một nguồn tin cho biết ghế ngoại trưởng khó lọt khỏi tay ông Giuliani nếu ông muốn. Trước đó, ông này còn được xem là ứng viên sáng giá cho chức bộ trưởng tư pháp nhưng đã công khai từ chối.
Fox News nhận định ông Giuliani, 72 tuổi, sẽ là một lựa chọn khác thường cho vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao bởi chính khách này thiếu kinh nghiệm về đối ngoại và có lập trường cứng rắn nên sẽ có giọng điệu rất khác những người tiền nhiệm như Hillary Clinton, Colin Powell, Condoleezza Rice...
Trong khi đó, cái tên Bolton cũng gây lo ngại không kém ông Bannon. Trong cộng đồng nhà ngoại giao của Đảng Cộng hòa, ông Bolton thuộc loại “diều hâu” nhất, đặc biệt là “ghét” Nga và Iran ra mặt. Trang The Huffington Post nhận định việc bổ nhiệm ông Bolton làm ngoại trưởng sẽ đi ngược lại cam kết làm việc hòa bình với những nước khác của ông Trump.
Moscow dĩ nhiên là nước không hài lòng với kịch bản này bởi họ đang hy vọng mối quan hệ với Washington được khởi sắc. Điều này thể hiện qua cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Trump hôm 14-11. Theo Điện Kremlin, hai bên đánh giá mối quan hệ Nga - Mỹ hiện không tốt và cam kết hợp tác để cải thiện.
Bình luận (0)