Tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis - ứng viên bộ trưởng quốc phòng - nói với Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng Mỹ phải “tôn trọng thỏa thuận hạt nhân” với Iran. Trong khi đó, khi tham gia tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ thỏa thuận.
Ông Mattis cũng bày tỏ lập trường đối nghịch với ông Trump về Tổng thống Nga Vladimir Putin, bên cạnh việc mô tả Moscow là một trong những mối đe dọa hàng đầu của Washington. Ông Mattis cho biết: “Ngay bây giờ, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận ra sự thật về những gì chúng ta đối phó với Tổng thống Putin. Chúng tôi nhận ra ông ấy đang cố gắng phá vỡ liên minh Bắc Đại Tây Dương”.
Một mặt cho rằng Mỹ cần tiếp tục ủng hộ NATO và tăng cường sức mạnh quân sự tại Đông Âu để đối phó Nga, mặt khác ông Mattis đồng tình về việc phải tăng cường quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản...
Cùng ngày 12-1, nhân vật được ông Trump đề cử làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), Mike Pompeo, cam kết với Ủy ban Tình báo: “Tôi sẽ tuyệt đối không sử dụng các phương thức thẩm vấn tàn bạo đối với nghi can khủng bố một cách trái luật”. Trước đó, ông Trump nói sẽ phục hồi các phương thức thẩm vấn này.
Khác với ông Trump, ông Pompeo "khá chắc chắn" Nga đã ra tay hỗ trợ tổng thống đắc cử Mỹ.
Bình luận của hai ông Mattis và Pompeo là những bình luận mâu thuẫn với ông Trump mới nhất trong 2 ngày đầu tiên của phiên điều trần.
Hôm 10-1, tướng thủy quân lục chiến về hưu John Kelly – được đề cử làm bộ trưởng an ninh nội địa – tỏ ý không đồng tình với cam kết bắt Mexico trả tiền xây tường dọc biên giới với Mỹ của ông Trump vì sẽ “không hiệu quả”. Vị này cũng cho rằng không nên thực hiện các phương thức thẩm vấn tàn bạo.
Năm 2009, Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh cấm CIA sử dụng các phương thức thẩm vấn tàn bạo ngoại trừ một số phương thức được cho phép. Đến năm 2015, sắc lệnh này được viết thành luật. Ông Trump, mặt khác, tuyên bố sẽ tiếp tục các hình thức tra tấn theo hướng “tàn bạo hơn”.
Còn ông Jeff Sessions, người được đề cử làm tổng chưởng lý, hôm 10-1 cho rằng cấm người Hồi giáo vào Mỹ không phải là chính sách tốt.
Hôm 11-1, tới lượt ứng viên ngoại trưởng Rex Tillerson thể hiện quan điểm mâu thuẫn với tuyên bố về thỏa thuận biến đổi khí hậu của ông Trump. Vị tổng thống đắc cử nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận này là trò lừa bịp, đồng thời dọa sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.
Chưa dừng lại ở đó, ông Tillerson còn cho rằng “lệnh cấm chống lại người Hồi giáo là sai lầm”. Ông Trump từng nói sẽ trục xuất lên đến 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, trong đó có cả người Hồi giáo.
Ông Tillerson còn ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định mà ông Trump phản đối gay gắt.
Đáng chú ý nhất trong các phiên điều trần, đó là các ứng viên nội các của ông Trump bày tỏ sự phản đối Nga mạnh mẽ. Ngược lại, ông Trump suốt 1 năm qua bảo vệ mong muốn duy trì một mối quan hệ mạnh mẽ với Nga và Tổng thống Putin.
Bình luận (0)