Cả nước Pakistan hôm 17-12 bắt đầu ngày quốc tang đầu tiên tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công do 7 tay súng Taliban nhằm vào Trường Công lập Quân đội ở TP Peshawar một ngày trước khiến ít nhất 132 học sinh và 9 nhân viên nhà trường thiệt mạng.
TTP đi quá xa
“Trường học đau khổ của Pakistan”, “Vụ thảm sát những người vô tội”, “Pakistan chấn động vì khủng bố”… là những dòng tít lớn đăng trên trang nhất các tờ báo Pakistan. Đất nước này không xa lạ gì với bạo lực đẫm máu nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng khi trẻ em vô tội trở thành mục tiêu. Người dân khắp Pakistan thắp nến tưởng niệm trong lúc các đám tang tập thể diễn ra trong sự đau khổ của người thân tại Peshawar và những vùng lân cận.
Hậu quả thảm khốc của bi kịch đã gia tăng sức ép lên chính phủ trong việc xử lý nhóm Taliban ở Pakistan (TTP). Tại đám tang đứa con trai 17 tuổi của mình ở Peshawar, ông Farooq Shah kêu gọi các chính trị gia ngưng đấu đá để tập trung cải thiện an ninh. “Tôi sợ rằng nếu tình hình không tốt hơn, không ai dám cho con em đến trường” - ông bày tỏ.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Thủ tướng Nawaz Sharif cam kết thương thảo hòa bình với TTP nhưng chưa mang lại kết quả. Một số nhà phân tích cho rằng TTP lần này đã đi quá xa sau nhiều năm gây ra các vụ tấn công, đánh bom tự sát ở chợ, đền thờ, khách sạn, căn cứ quân sự.
Những tuyên bố cứng rắn của ông Sharif hôm 17-12 báo hiệu một sự thay đổi mạnh tay hơn. Ông thề “sẽ trả thù cho từng giọt máu mà con em chúng ta đã mất” cũng như không ngần ngại truy đuổi khủng bố ngay cả ở bên ngoài biên giới.
“Chúng ta không thể lùi bước trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc truy bắt chúng sẽ diễn ra ở bên kia biên giới với Afghanistan” - ông Sharif khẳng định sau cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở Islamabad. Thủ tướng Pakistan cũng chủ trì cuộc họp với thủ lĩnh các đảng đối lập nhằm bàn phương cách đối phó khủng bố, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm án tử hình trong những vụ liên quan đến khủng bố.
Taliban ở Afghanistan lên án
Quân đội Pakistan cũng đối mặt với đòi hỏi tăng cường đối phó các tay súng Hồi giáo cực đoan dù họ đã tiến hành chiến dịch quân sự trên không và trên bộ dọc biên giới với Afghanistan từ tháng 6. Trước mắt, giới chức quân sự cho biết đã thực hiện thêm các cuộc không kích mới ở vùng Khyber và Bắc Waziristan ngay sau vụ tấn công trường học.
Trong ngày 17-12, Tư lệnh Quân đội Pakistan, Tướng Raheel Sharif, đến Afghanistan để bàn chuyện hợp tác trấn áp các tay súng đang ẩn náu tại biên giới chung. TTP có quan hệ đồng minh với nhóm Taliban Afghanistan, mạng lưới Al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác. Pakistan cho rằng một phần TTP đang đóng tại miền Đông Afghanistan và cáo buộc láng giềng không dứt điểm các căn cứ này.
Ngược lại, Afghanistan tố Pakistan dung túng các nhóm như Taliban Afghanistan và Haqqani khiến chúng dùng lãnh thổ Pakistan làm bàn đạp tấn công ở Afghanistan. Kabul có thể chịu nhiều búa rìu dư luận sau khi báo Dawn (Pakistan) dẫn một nguồn tin nói rằng Umar Naray, một thủ lĩnh TTP đóng tại Afghanistan, bị nghi là chủ mưu vụ tấn công trường học ở Peshawar.
Cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ dành cho người dân và chính phủ Pakistan. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho ông Sharif với cam kết tiếp tục hỗ trợ chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, qua đó thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực. Gạt sang bên những hục hặc lâu đời, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi điện cho người đồng cấp Pakistan để bày tỏ tình đoàn kết với láng giềng.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gọi vụ tấn công những đứa trẻ không có khả năng tự vệ lúc chúng đang học là “ghê rợn và hèn nhát”. Ngay cả lực lượng Taliban tại Afghanistan cũng kịch liệt lên án TTP. “Việc sát hại có chủ đích những người vô tội, trẻ em và phụ nữ đi ngược với giáo lý cơ bản của đạo Hồi và điều này cần được mọi đảng và chính quyền Hồi giáo suy xét” - phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của nhóm này nêu rõ.
Thiên thần mắc đọa
Kể cả khi các vụ tấn công khủng bố dần trở nên bình thường một cách đáng sợ thì việc chủ đích nhắm vào trẻ em vẫn là điều hiếm hoi, ngay cả trong suy nghĩ của những kẻ khủng bố lọc lõi.
Vậy mà chỉ trong ngày 16-12, 132 học sinh ở Pakistan gục ngã trước những họng súng xả vô tội vạ và 15 nữ sinh ở Yemen lìa đời vì bị đánh bom xe. “Các cuộc thảm sát ở Pakistan và Yemen đánh dấu thêm một ngày bi thảm khi mà cả năm 2014 đã chứng kiến trẻ em trên khắp thế giới bị tổn thương hơn bao giờ hết” - Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ra thông cáo hôm 16-12.
Theo UNICEF, khoảng 230 triệu em đang sống tại những nước có xung đột vũ trang. Đó là lý do mà UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay biến năm 2015 thành “Năm bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, bất kể các em đang chịu đựng vòng xoáy xung đột hay hít thở không khí hòa bình, tại trường học hay ở nhà”.
Theo tờ The Telegraph (Anh), tương đồng với vụ tấn công trường học ở Peshawar, xét về bản chất chỉ có 2 vụ: Tấn công trường học ở thị trấn Beslan, vùng Bắc Ossetia thuộc Nga và thảm sát trại hè thiếu nhi tại Na Uy.
Ngày 1-9-2004, các tay súng Hồi giáo ly khai từ Chechnya và Ingushetia chiếm Trường học Số 1 tại Beslan khi ngôi trường chật kín học sinh và phụ huynh ngày khai giảng. Hơn 1.000 người, bao gồm 777 trẻ em, bị bắt làm con tin ròng rã 3 ngày. Khi an ninh Nga tìm cách chiếm lại ngôi trường, các tay súng đáp trả. Hậu quả là ít nhất 385 người thiệt mạng, trong đó có tới 156 đứa trẻ, em nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi.
Ngày 22-7-2011, sát thủ Anders Breivik đặt bom các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Oslo của Na Uy trước khi ra trại hè trên đảo Utoye. Ngã xuống trước mũi súng của kẻ tâm thần thù ghét dân nhập cư - đặc biệt là người Hồi giáo - có tổng cộng 77 người với 55 thiếu niên. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi.
Nếu xét về số trẻ em thiệt mạng nhiều nhất trong một vụ khủng bố thì đó là lần Al-Qaeda đánh bom đồng loạt 4 vụ tại 2 thị trấn của người Yazidi ở miền Bắc Iraq vào tháng 8-2007. Ước tính 796 người đã bị sát hại, phần lớn trong đó là phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, tuy là vụ khủng bố chết chóc nhất với hơn 3.000 người chết, thảm kịch 11-9-2001 chỉ có 8 nạn nhân nhỏ tuổi - các em không may có mặt trên các chuyến bay bị không tặc.
Mỹ Nhung
Bình luận (0)