Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 27-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt bồi lấn và xây dựng trái phép ở biển Đông - những bước đi gây lo ngại đối với các nước láng giềng.
Trong khi đó, ông Vương tuyên bố Bắc Kinh sẽ tuân thủ cam kết không quân sự hóa biển Đông và sẽ không chấp nhận bất kỳ cáo buộc nào cho rằng nước này nói một đằng, làm một nẻo.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dùng từ “đấu khẩu” để nói về cuộc hội đàm kéo dài hơn 4 giờ giữa hai người đứng đầu bộ ngoại giao của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tập trung vào vấn đề giảm nhiệt căng thẳng biển Đông và giải quyết vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, dù cả hai đều nhìn nhận các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và thẳng thắn song những phát biểu trong cuộc họp báo chung sau đó đều thể hiện rõ nét những lập trường đối lập.
Về vấn đề Triều Tiên, ông Kerry tuyên bố Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt các “biện pháp trừng phạt đáng kể mới” nhằm vào Bình Nhưỡng sau vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6-1, đồng thời gây áp lực tái khởi động các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. “Rất nhiều cuộc đàm phán về Triều Tiên diễn ra trong những năm qua. Nay chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải đưa Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán” - ông Kerry nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ rõ các hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Trung Quốc và Triều Tiên chính là một lỗ hổng mà lệnh trừng phạt mới của HĐBA LHQ phải khỏa lấp.
Trước câu trả lời của ông Vương bày tỏ rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh một cách đầy ẩn ý: “Tất cả quốc gia, đặc biệt là những nước muốn đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu thì phải có trách nhiệm giải quyết mối đe dọa này (vấn đề hạt nhân Triều Tiên)”. Sau cuộc họp với ông Vương, ông Kerry còn gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cùng ngày, vấn đề biển Đông được Ngoại trưởng Úc Julie Bishop thể hiện khá đậm nét trong chuyến công du tới Mỹ. Phát biểu tại cuộc hội thảo ở Trung tâm An ninh Mỹ mới - trụ sở ở Washington, bà Bishop cho rằng vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp biển Đông sẽ xác định dứt điểm vấn đề các bãi đá nhân tạo có tạo nên quyền lãnh hải hay không. Nữ ngoại trưởng khẳng định phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) tại The Hague trong vụ này sẽ “cực kỳ quan trọng” và được coi như tuyên bố về nguyên tắc quốc tế.
Bà tin rằng dù Trung Quốc có tẩy chay phán quyết - dự kiến được đưa ra trong năm nay - thì nó vẫn được tất cả các nước khác có tuyên bố chủ quyền hoặc lợi ích trong khu vực chấp nhận và tôn trọng. Đồng thời, bà Bishop cũng bác bỏ mối quan ngại rằng những căng thẳng leo thang do tranh chấp chủ quyền ở biển Đông có thể châm ngòi một cuộc xung đột mới ở châu Á.
Bình luận (0)