Nhà lãnh đạo hy vọng tận dụng được sự hỗn loạn của phe đối lập để củng cố sự kiểm soát tại Hạ viện.
Tuy nhiên, có nguy cơ mọi chuyện không như ý ông Abe, như những gì Thủ tướng Anh Theresa May từng trải qua khi kêu gọi bầu cử sớm hồi tháng 6. Đảng Bảo thủ của bà May mất thế đa số tại quốc hội và phải liên minh với Đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland, một bước lùi gây mất mặt.
Thủ tướng Shinzo Abe và bà Yuriko Koike, lãnh đạo Đảng Hy vọng tại một cuộc tranh luận hôm 8-10 Ảnh: REUTERS
Rủi ro của bầu cử sớm có thể đến từ việc các đảng phái (cả cầm quyền lẫn đối lập) chưa sẵn sàng nên dễ bị tổn thương bởi sai lầm. Một nguy cơ khác là các nhà lãnh đạo đánh giá sai sự ủng hộ của người dân dành cho mình.
Thủ tướng Abe có thể nghĩ rằng mình đang dẫn đầu cuộc đua nhưng vẫn có cuộc thăm dò cho thấy nhiều cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Hơn nữa, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe còn đối mặt thách thức khi một số thành viên rời đi để lập đảng mới. Điều này có thể khiến sự ủng hộ dành cho LDP tại quốc hội giảm bớt.
Dù vậy, ông Abe vẫn có những lý do hợp lý để kêu gọi bầu cử sớm. Nhà lãnh đạo này muốn chỉnh sửa hiến pháp hòa bình để cho phép ông thực thi chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn nhằm đối phó Triều Tiên.
Có lẽ ông Abe cảm thấy mối đe dọa của Bình Nhưỡng có thể thúc đẩy thêm nhiều cử tri bỏ phiếu cho LDP. Một số cuộc thăm dò cho thấy LDP đang trên đường đánh bại đối thủ chính là Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).
Nhật hiện là đồng minh quân sự của Mỹ, đồng thời là một thành viên quan trọng trong liên minh chống Triều Tiên. LDP đang có lập trường thân thiện với Mỹ trong lúc DPJ có thể không tán thành chính sách đối ngoại của Mỹ. Với mong muốn có một mặt trận thống nhất để đối phó với Triều Tiên, không có gì lạ khi Mỹ hy vọng ông Abe sẽ chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tới.
Bình luận (0)