Tổng thống Pháp Francois Hollande
Đây là lần đầu tiên ông Francois Hollande cho biết sẽ chờ đợi báo cáo kết luận từ thanh sát viên Liên Hiệp Quốc. Một quan chức Pháp tiết lộ rằng thông báo được đưa ra sau cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 giữa Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Cuộc thảo luận đã thuyết phục Tổng thống Pháp nên chờ đợi.
Trước đó, bà Elisabeth Guigou-Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Pháp, cho biết chính phủ nước này không có kế hoạch để các nhà lập pháp bỏ phiếu tại Quốc hội để xem xét có tham gia quân sự vào Syria hay không.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ Mỹ trừng phạt chính quyền Assad vì đã tấn công bằng vũ khí hóa học vào người dân. Theo hiến pháp của Pháp, với tư cách người đứng đầu quân đội, Francois Hollande có quyền điều động quân đội và chỉ cần báo với quốc hội trong vòng ba ngày kể từ khi việc can thiệp bắt đầu. Việc bỏ phiếu tại quốc hội chỉ được tiến hành khi hành động quân sự trên kéo dài quá 4 tháng. Tuy nhiên, bà Elisabeth Guigou cho biết Pháp không hành động một mình.
Cũng trong ngày 6-9, ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria tuyên bố không nước nào được quyền “thao túng luật pháp”, tiến hành cuộc tấn công quân sự chống lại Syria mà không được sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông Lakhdar Brahimi phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, sau cuộc họp với các bộ trưởng nước ngoài bao gồm Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi nước ngoài không cung cấp vũ khí cho bất cứ bên nào ở Syria. Đồng thời, ông cũng khẳng định quân sự không phải là giải pháp cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Ông đánh giá cao sự hợp tác của chính phủ Syria trong việc phối hợp cùng thanh sát viên Liên Hiệp Quốc điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gây chấn động vừa qua. Dẫu kết quả điều tra có thế nào, các nước cũng phải hành động theo đúng Hiên chương Liên Hiệp Quốc trước khi quyết định hành động quân sự.
Mỹ và Nga không tìm được tiếng nói chung về vấn đề Syria. Ông Obama vẫn đang chờ kết quả bỏ phiếu ngày 9-9 và hiện vẫn đang kêu gọi ủng hộ việc đánh Syria. Ông cũng từ chối nhượng bộ việc các nhà lãnh đạo G20 muốn Mỹ từ bỏ kế hoạch không kích Syria. Trong khi đó, ông Putin khẳng định sẽ sát cánh cùng Syria.
Bình luận (0)