Theo hãng tin AP hôm 19-6, chiến thắng của En Marche! là điều bất ngờ vì đảng này khá non trẻ khi mới ra đời cách đây khoảng 1 năm.
Nhà hoạt động Nina Halimi, 27 tuổi, bày tỏ ý kiến: "Đây là một kết quả khả quan. Từ lâu, người ta dự đoán ông Macron không thể giành thế đa số tại quốc hội. Đó là một quốc hội công bằng và tôn trọng nền dân chủ của Pháp".
Doanh nhân Sylvain Maillard, 45 tuổi, bình luận: "Họ bỏ phiếu cho chúng ta vì họ mong chờ sự thay đổi. Nhiều người dân Pháp đã quay lưng lại với đời sống chính trị. Để khắc phục điều đó, chúng ta cần phải cải cách".
Edouard Philippe, một chính trị gia trung hữu đã gia nhập En Marche!, cho biết: "Thông qua cuộc bỏ phiếu, đa số người Pháp chọn hy vọng thay vì giận dữ".
Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS
Các nhà hoạt động đều nhất trí rằng họ phải hành động càng sớm càng tốt. Bà Alexandra Laffitte đề nghị: "Trách nhiệm của chúng ta rất nặng nề vì nhiều người Pháp đang tỏ ra thất vọng. Chúng ta phải nói chuyện với họ và những người không muốn lắng nghe chúng ta".
Tuy giành chiến thắng nhưng không khí tại trụ sở đảng En Marche! ở thủ đô Paris không náo nhiệt như dự đoán giữa lúc tỉ lệ cử tri không bỏ phiếu lên đến 56,6%.
Ngay khi biết kết quả trên truyền hình, không có người nào ồ lên mà chỉ có tiếng vỗ tay. Bà Catherine Barbaroux, người thay thế ông Macron làm Chủ tịch đảng En Marche!, nói vỏn vẹn 3 từ: "Minh bạch, trách nhiệm và khiêm tốn" lúc được phóng viên hỏi về chiến thắng trong cuộc bầu cử tại quốc hội.
Bà Marine Le Pen, đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống, cũng nhận được một ghế tại quốc hội. Lãnh đạo phe cực hữu này cho biết bà giành được khoảng 58% phiếu bầu ở khu vực Henin-Beaumont, miền Bắc nước Pháp. Tuy nhiên, đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen chỉ chiếm 6 ghế tại quốc hội.
AP cho hay Đảng Những người Cộng hòa bảo thủ về đích ở vị trí thứ hai với 22% số phiếu bầu (tương đương 113 ghế). Đảng Xã hội thất bại nặng khi chỉ nhận được 6% phiếu bầu (29 ghế).
Bình luận (0)