Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, 29 người Trung Quốc làm việc tại một doanh nghiệp bán lẻ ở Manila trong khi số còn lại là công nhân xây dựng ở các thành phố Quezon và Malabon.
Người phát ngôn Cục Di trú Philippines Elaine Tan cho biết các nghi phạm đang làm việc bằng thị thực du lịch. Song song đó, bà Tan khẳng định cuộc điều tra là công việc bình thường của Cục Di trú.
“Các vụ bắt giữ không liên quan đến căng thẳng với Trung Quốc. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi đang liên hệ với lãnh sự Trung Quốc về giấy tờ của các công dân họ” - bà Tan nói.
Philippines bắt giữ đến 357 lao động trái phép từ Trung Quốc và Đài Loan vào tháng 8-2012
Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG NHẬT BÁO
Luật pháp Philippines quy định nếu một công dân nước ngoài không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng thực cho công việc, người đó sẽ bị buộc tội và bị trục xuất. Quy trình này có thể kéo dài ít nhất 1 tháng.
Trong một tuyên bố ngày 20-8, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho biết họ đã cử người đến thăm các công dân bị bắt và yêu cầu chính quyền Philippines đối xử công bằng.
Theo trang tin Sohu, hiện nhà chức trách Manila đang điều tra một người đàn ông cư trú ở Philippines 20 năm chuyên đưa lao động Trung Quốc sang nước này trái pháp luật.
Cũng liên quan đến quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một quan chức an ninh cao cấp Philippines ngày 20-8 cho biết tàu Trung Quốc không chỉ tuần tra trái phép mà còn thả phao tiêu hàng hải bất hợp pháp tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Philippines về tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động ở khu vực nêu trên.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc hôm 21-8 chính thức lên án doanh nhân kiêm chính trị gia Úc Clive Palmer vì phát biểu “những đứa con lai Trung Quốc đang tìm cách chiếm nước Úc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh đánh giá cao phản ứng tức thời của các nhà lãnh đạo chính trị Úc, trong đó có Thủ tướng Tony Abbott và Ngoại trưởng Julie Bishop, khi phê phán hành động của Palmer.
Cùng ngày, ông Palmer tỏ thái độ hối tiếc nếu có người cảm thấy bị xúc phạm bởi phát biểu của ông. Tuy nhiên, ông Palmer cho rằng Thời báo Hoàn Cầu đẩy vấn đề đi quá xa khi kêu gọi Bắc Kinh áp đặt lệnh trừng phạt ông và các công ty của mình.
Bình luận (0)