Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Ernesto Abella, cho biết phát biểu trên được ông Duterte đưa ra tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Manila.
“Những cuộc đàm phán mà chúng tôi tham gia sẽ dựa trên phán quyết (của PCA ở The Hague - Hà Lan). Đó là nền tảng, phán quyết liên quan đến khu vực” - ông Abella cho biết thêm.
Khi được hỏi về việc Trung Quốc khăng khăng đòi Philippines phải bỏ qua phán quyết của PCA mới chịu ngồi vào bàn đàm phán, ông Abella cho biết tình hình “không đến nỗi bế tắc” và đối thoại vẫn sẽ diễn ra.
Người phát ngôn cho biết thêm Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Kerry không thảo luận về Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao Philippines – Mỹ (EDCA) và mối liên quan đến việc thực thi phán quyết của PCA, theo đó bác bỏ tính pháp lý của “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc
Ông Abella giải thích rằng Philippines xem 2 vấn đề này không dính dáng gì với nhau.
Ngoại trưởng Kerry (trái) và Tổng thống Duterte trao đổi hôm 27-7. Ảnh: INQUIRER
Trước khi gặp ông Duterte, ông Kerry đã lên tiếng ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc khi ông hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Perfecto Yasay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tiết lộ ông và người đồng cấp Mỹ đã trao đổi về vấn đề đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh. Ông nói tại cuộc họp báo ngày 27-7: “Trung Quốc và Philippines đều ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đồng thời thường bày tỏ sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như cam kết với UNCLOS”.
Cũng theo ông Yasay, cựu Tổng thống Fidel V. Ramos đã chấp nhận lời đề nghị của ông Duterte để trở thành đặc phái viên phụ trách đàm phán với Trung Quốc. Ông nói Manila hy vọng giải quyết những tranh chấp ở biển Đông ngay cả khi Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của PCA.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 27-7 kêu gọi một số quốc gia Đông Nam Á tránh sử dụng từ ngữ có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines leo thang. “Các tranh chấp ở biển Đông là giữa Philippines và Trung Quốc, không phải giữa ASEAN và Trung Quốc. Vì vậy, không nên kéo ASEAN và Campuchia vào các tranh chấp” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry lưu ý.
Người này còn phủ nhận cáo buộc “Trung Quốc mua sự ủng hộ của Campuchia bằng khoản vay 600 triệu USD”.
Bình luận (0)