Tổng thống Benigno Aquino ngày 22-1 nói Mỹ phải giải thích vì sao và bằng cách nào mà tàu USS Guardian lại mắc cạn ở khu vực được bảo vệ như rạn san hô Tubbataha trong khi tàu chiến Mỹ “được trang bị hệ thống định vị hiện đại”. Tuy nhiên, ưu tiên lúc này là phải di chuyển con tàu để giảm thiểu thiệt hại cho rạn san hô, theo ông Aquino.
Hiện con tàu dài 68 m này vẫn kẹt ở rạn san hô. Hải quân Mỹ cho biết tàu gặp sự cố khi trên đường đến Indonesia sau khi thăm một cảng Philippines. Chỉ huy hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Scott Swift, đã có thông cáo xin lỗi nhưng không xoa dịu được Manila.
Ngày 22-1, Ủy ban quản lý rạn san hô Tubbataha do chính phủ Philippines đứng đầu ra thông báo chính thức cáo buộc Mỹ "xâm nhập trái phép".
So với vị trí mắc kẹt ban đầu ngày 17-1 (ảnh nhỏ), tàu USS Guardian đã bị xoay 90 độ,
nằm song song với rạn san hô Tubbataha. Ảnh: Inquirer
Rạn san hô thuộc công viên hải dương Tubbataha, được luật pháp Philippines bảo hộ, hạn chế tàu bè qua lại và chỉ được sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu hoặc du lịch do giám đốc công viên phê duyệt.
Mức phạt tối đa cho tội xâm nhập trái phép là một năm tù cộng 300.000 peso (khoảng 7.300 USD). Ban quản lý đã loại trừ phạt tù cho Hải quân Mỹ nhưng không tiết lộ số tiền phạt.
Bên cạnh tiền phạt cho tội xâm nhập trái phép, Hải quân Mỹ còn bị phạt thêm vì "không chi trả phí bảo tồn" và "cản trở nhân viên hành pháp". Giám đốc công viên Tubbataha, bà Angelique Songco, cho rằng USS Guardian đã phớt lờ cảnh báo của bảo vệ công viên qua bộ đàm. Tuy nhiên, thuyền trưởng bác bỏ cáo buộc trên và tuyên bố sẽ khiếu nại với đại sứ quán Mỹ ở Manila.
Ngoài ra, tội “gây thiệt hại cho rạn san hô” và “phá hủy tài nguyên" sẽ được xem xét sau khi con tàu hoạt động trở lại.
Đại sứ quán Mỹ đã từ chối bình luận về vụ vi phạm trên. Hiện Mỹ và Philippines đã thành lập hai đội kiểm tra, đánh giá thực trạng tàu USS Guardian trước khi triển khai các phương án cứu hộ.
Bình luận (0)