Động thái này được xem là rạn nứt cụ thể đầu tiên trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước sau hàng loạt phát ngôn gay gắt của tân Tổng thống Rodrigo Duterte với Washington.
Theo AP, ông Lorenzana còn cho biết 107 binh sĩ Mỹ đang tham gia điều khiển máy bay không người lái do thám lực lượng phiến quân Hồi giáo sẽ được yêu cầu rời khỏi miền Nam Philippines khi Manila đủ khả năng thu thập thông tin tình báo trong tương lai gần. Cũng theo bộ trưởng này, Tổng thống Duterte muốn ngừng 28 cuộc tập trận chung thường niên giữa Philippines với Mỹ.
Không dừng lại ở đó, ông Duterte hôm 6-10 còn mạnh miệng tuyên bố Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể rút viện trợ nếu “không vui” với cuộc chiến chống ma túy của Philippines. Không chút lo lắng vì quan điểm này của ông Duterte, Bộ trưởng Lorenzana tự tin nhận định quân đội Philippines có thể lo liệu ngay cả khi không có viện trợ quân sự của Manila. Quan chức này còn tiết lộ Philippines có ý định mua vũ khí từ Trung Quốc, Nga và không có bất cứ sự phản đối nào trong nội bộ quân đội trước chủ trương giảm quy mô hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Theo nhà phân tích Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington), Washington đang kiềm chế hết sức với Manila. Cho tới nay, giới chức chính quyền Mỹ gần như bỏ ngoài tai những lời khó nghe của ông Duterte, đồng thời tuyên bố duy trì cam kết trợ giúp quân sự cũng như các viện trợ khác cho đồng minh lâu năm. “Lựa chọn tốt nhất với Washington là bình tĩnh và để cuộc chơi tiếp diễn. Chúng ta vẫn chưa biết ông Duterte định tiến xa tới đâu” - chuyên gia này nhận định.
Giới quan sát cũng không dám chắc liệu vị lãnh đạo mạnh miệng của Philippines có hiện thực hóa những đe dọa táo bạo của mình hay không. Các chuyên gia phân tích của CSIS nói với kênh CNBC rằng còn quá sớm để biết được liệu Washington có chấp nhận chính sách đối ngoại mới của Manila hay không. “Không còn nhiều nghi vấn về việc ông Duterte theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn, ít nhất là trong vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn phải theo dõi thêm xem ông ấy có quyết định giảm bớt quan hệ với Mỹ trong những lĩnh vực khác hay không” - nhóm chuyên gia của CSIS nhận định.
Trong khi đó, ông Ernest Bower, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của hãng tư vấn nguy cơ chính trị BowerGroupAsia (BGA), cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng nếu lính Mỹ buộc phải rời Philippines - điều từng xảy ra trong quá khứ. Sau khi Philippines đóng cửa các căn cứ Mỹ năm 1991, Trung Quốc bắt đầu tăng cường yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough trước khi chiếm nó từ tay Manila vào năm 2012. Sự ra đi của lực lượng Mỹ cũng tác động không nhỏ đến cuộc chiến chống khủng bố của Philippines. Chưa hết, tỉ lệ ủng hộ cao hiện nay của ông Duterte có thể tụt dốc nếu tiếp tục để đất nước bị Bắc Kinh “bắt nạt”.
Bình luận (0)