Phóng viên Osamu Maruyama của báo Yomiuri là một trong số hàng chục phóng viên Việt Nam và nước ngoài có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam tại gần nơi giàn khoan và tàu Trung Quốc hoạt động trái phép hôm 27-5.
Phóng viên này viết: "Nhìn qua ống nhòm, tôi có thể nhìn thấy nhiều tàu Trung Quốc ở phía trước giàn khoan. Bản thân nó trông như một pháo đài khổng lồ. Mỗi khi có hoạt động gì từ giàn khoan, các tàu Trung Quốc lại di chuyển như thể đang bảo vệ nó. Tàu Việt Nam gần đó cũng thay đổi hướng để đáp lại những chuyển động của tàu Trung Quốc".
Tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc đối đầu gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Asahi
Tàu cá Việt Nam bị người Trung Quốc đập phá. Ảnh: Asahi
Theo bài viết, khu vực này gần nơi xảy ra vụ một tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam hôm 26-5. Trước đó, vào tuần rồi, thuyền trưởng một tàu cảnh sát biển Việt Nam đã phát ra cảnh báo tàu Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam khi đến gần giàn khoan. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đã hung hăn đâm vào tàu Việt Nam mà không hề báo trước.
Phẫn nộ trước hành động này, thuyền trưởng tàu Việt Nam chỉ trích: "Trung Quốc là đất nước bạo lực khi sẵn sàng sử dụng bất kỳ thủ đoạn gì để đạt được mục tiêu của mình".
Không dừng lại ở đó, hành vi của tàu Trung Quốc ngày càng cực đoạn. Chẳng hạn như 2 tàu Trung Quốc đã kẹp tàu Việt Nam vào giữa và phun vòi rồng. Đến ban đêm, một tàu Trung Quốc bất ngờ đâm vào tàu Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng khi cho di dời giàn khoan đến một địa điểm khác gần đó và bắt đầu giai đoạn 2 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, phóng viên Manabu Sasaki của báo Asahi tường thuật con tàu cảnh sát biển chở hàng chục phóng viên Việt Nam và quốc tế rời Đà Nẵng vào cuối ngày 26-5 để đến nơi giàn khoan Trung Quốc hoạt động trái phép. Đến 9 giờ 30 phút ngày 27-5, một đội tàu Trung Quốc xuất hiện để phong tỏa lối đi đến giàn khoan nằm cách đó vài chục km.
Đến 15 giờ 45 phút cùng ngày, 5 tàu Việt Nam, trong đó có tàu chở phóng viên, bị 9 tàu Trung Quốc bao vây. Một sĩ quan trên tàu Việt Nam ngay lập tức dùng loa yêu cầu tàu Trung Quốc chấm dứt hoạt động trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế trong vùng biển Việt Nam.
Ngay cả khi một tàu kiểm ngư Việt Nam ngừng di chuyển thì tàu Trung Quốc vẫn hung hăng lao đến gần và chỉ cách tàu này khoảng 30 mét.
Bài báo cũng dẫn lời những ngư dân Việt Nam kể lại họ bị người và tàu Trung Quốc tấn công dã man trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Nguyễn Tấn Hải, 24 tuổi, mắt phải bị bầm tím, đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở Quảng Ngãi. Anh kể với báo Asahi: "Cho đến giờ, tôi vẫn thấy ác mộng bị nhiều người Trung Quốc tấn công".
Tàu cá của anh Hải đang hoạt động ở gần Hoàng Sa thì một tàu Trung Quốc xuất hiện lúc 20 giờ ngày 16-5. Sau đó, khoảng 30 Trung Quốc xông lên tàu anh và yêu cầu tàu anh rời khỏi đó. Khi thấy Hải không khuất phục, người Trung Quốc đã dùng dùi cui điện đánh đập khiến anh ngất xỉu. Bọn họ còn đập phá tàu và lấy đi số cá đánh bắt được. Nguyễn Huyền Lê Anh, người đi cùng anh Hải, cũng bị đánh đập trọng thương. Người thanh niên 19 tuổi này nói: "Tôi quá sợ nên chỉ biết nhắm mắt chịu trận".
Hai ngư dân này trở về Quảng Ngãi hôm 18-5 với sự hỗ trợ của ngư dân trên một tàu cá gần đó.
Chính quyền địa phương cho biết hành động gây hấn của tàu Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.
Bình luận (0)