Thông điệp hẳn sẽ chọc giận phe đối lập ở quốc gia Trung Đông chìm trong nội chiến hơn 2 năm này đã được chuyển tới các thành viên cấp cao của Liên minh Dân tộc Syria (NSC) hồi tuần trước, tại cuộc họp của nhóm Những người bạn Syria tổ chức ở London - Anh.
Cuộc họp được tiến hành trong bối cảnh các phần tử khủng bố al-Qaeda tăng nhanh trong lực lượng nổi dậy. “Những người bạn phương Tây đã nói rõ rằng chưa thể buộc ông Assad ra đi lúc này bởi sự tiếp quản của phiến quân Hồi giáo sẽ gây hỗn loạn” – một thành viên cấp cao của NSC cho biết từ Ả Rập Saudi.
“Những người bạn phương Tây đã nói rõ rằng chưa thể buộc ông Assad ra đi lúc này
bởi họ cho rằng sự tiếp quản của phiến quân Hồi giáo sẽ gây hỗn loạn”. Ảnh: Reuters
Đề cập tới khả năng tranh cử tổng thống của ông Assad khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2014, nguồn tin NSC nói trên cho biết thêm: “Ai đó có thể nghĩ tới việc Assad tranh cử vào năm sau nhưng họ quên mất những thảm kịch ông ta đã gây ra đối với người dân của mình”.
Sự thay đổi trong ưu tiên của phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, từ lật đổ Tổng thống Assad sang chống lại các phần tử phiến quân Hồi giáo đang gây ra chia rẽ giữa các nước lớn về vấn đề Syria.
Không giống câu chuyện Libya năm 2011, phương Tây đã loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria giữa lúc các phần tử khủng bố al-Qaeda gia tăng đáng báo động tại đây. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng việc chống lại các phần tử khủng bố đó chưa đáng là ưu tiên lúc này.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu vấn đề cực đoan hóa (ICSR) ở Anh ước tính có khoảng 3.300-11.000 tay súng từ hơn 70 nước khác nhau đang chiến đấu trong hàng ngũ quân nổi dậy Syria. Trong số này, những người đến từ Tây Âu đang tăng mạnh.
Theo ICSR, bản báo cáo công bố hôm 17-12 của họ được tổng hợp từ 1.500 nguồn khác nhau, từ báo chí, ước tính của chính phủ đến tuyên bố của phe đối lập và các mạng xã hội. Các tay súng đến từ giới Ả Rập và châu Âu chiếm đến 80% số chiến binh ngoại nhập trên. Ngoài ra còn có mặt người Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Phi, vùng Balkans và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Bình luận (0)