Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) tối 26-3, ông Annan nói: "Chúng ta đã quá trễ cho việc can thiệp quân sự vào Syria. Tôi cũng không chắc quân sự hóa thêm nữa cuộc xung đột sẽ giúp được người dân Syria. Họ đang trông mong chấm dứt nạn giết chóc. Bạn có thể nhận thấy chính một số người ở xa Syria lại rất kiên quyết trong việc đổ vũ khí vào đây".
Trong khi đó, ngày 27-3, Nga lên tiếng chỉ trích quyết định của AL khi trao ghế thành viên bỏ trống của Syria cho Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh: "Xét theo luật pháp quốc tế, quyết định của AL đối với Syria là phi pháp và không thể bào chữa vì chính phủ Syria hiện vẫn là nước thành viên hợp pháp tại Liên Hiệp Quốc”.
Liên Hiệp Quốc ước tính đã có 70.000 người Syria thiệt mạng trong 2 năm qua. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Tổng thống Syria Bashar al-Assad gửi thư cầu cứu các nhà lãnh đạo nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang họp thượng đỉnh ở Nam Phi. Trong thư, ông Assad cho rằng nước ông đã trở thành mục tiêu của một âm mưu khủng bố trong suốt hai năm qua và âm mưu này được các nước Ả Rập, các nước trong khu vực và phương Tây hậu thuẫn.
Tổng thống Assad khẳng định giải pháp chính trị không thể thành công nếu không diệt tận gốc khủng bố. Ông đề nghị các nước BRICS cùng hợp tác ngăn chặn tình trạng bạo lực ở Syria và giúp đưa giải pháp chính trị đến thành công.
Trong một diễn biến liên quan, liên minh đối lập Syria đã mở đại sứ quán đầu tiên của tại thủ đô Doha của Qatar ngày 27-3.Trước sự chứng kiến của các đại sứ Ả Rập và phương Tây, Chủ tịch SNC Moaz Alkhatib và quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại của Qatar, Khalid al-Atiyah, đã cắt băng khánh thành đại sứ quán này.
Về việc NATO từ chối đề nghị triển khai hệ thống tên lửa Patriot tại các khu vực hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở miền bắc Syria, ông Alkhatib cho rằng NATO đang gửi thông điệp đến chính phủ của Tổng thống Assad rằng họ có thể "làm những gì họ muốn".
Bình luận (0)