Như vậy, với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, quốc hội Hy Lạp đã chấp nhận những biện pháp cải cách “khó nhai khó nuốt”.
Trong số những biện pháp có việc tăng thuế và tăng tuổi nghỉ hưu. Mặc dù lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ chấp nhận các biện pháp cải tổ song Thủ tướng Alexis Tsipras nói rằng ông không mấy tin tưởng vào thỏa thuận đạt được với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hôm 13-7.
Thủ tướng Alexis Tsipras nói rằng ông không mấy tin tưởng vào thỏa thuận đạt được với Eurozone hôm 13-7
Ảnh: REUTES
Ông Tsipras tuyên bố đã sẵn sàng thực hiện các đề xuất “không hợp lý” với hy vọng tránh sự sụp đổ của các ngân hàng cũng như thảm họa xảy đến cho Hy Lạp.
Trong một bài phát biểu ngay trước khi bỏ phiếu, ông Tsipras nói trước quốc hội: “Những người dân Hy Lạp đang hoàn toàn tỉnh táo và có thể hiểu được sự khác biệt giữa những người chiến đấu trong một cuộc chiến không công bằng và những người chỉ muốn hạ vũ khí”.
Nhờ lá phiếu của các đảng đối lập có quan điểm ủng hộ châu Âu, quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua bất chấp sự phản đối từ một số người có lập trường cứng rắn trong chính đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Tsipras. Trong số đó có Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulo, người rời khỏi phòng họp giữa lúc tranh luận và sau đó trở lại lên án đây là “một ngày rất đen tối cho dân chủ ở châu Âu”.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, người đã từ chức vào ngày 6-7, cũng bỏ phiếu chống, đồng thời đưa ra lời bình luận gay gắt về thỏa thuận cứu trợ trên blog. Hơn một nửa thành viên Syriza ký vào một thông cáo chỉ trích chương trình giải cứu. Một thành viên Syriza là bà Nadia Valavani, thứ trưởng tài chính Hy Lạp, từ chức ngay trước bỏ phiếu.
Cảm giác như đang phải cõng đá trên lưng, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos thở than với các nghị sĩ: “Rõ ràng đó không phải là thỏa thuận tốt. Thế nhưng, chúng ta không có lựa chọn...”
Vài giờ trước cuộc bỏ phiếu, người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát gần quốc hội. Phía cảnh sát đáp trả bằng hơi cay khiến hàng trăm người bỏ chạy tại Quảng trường trung tâm Syntagma. Đây là 1 trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 2 năm qua ở quốc gia Nam Âu này.
Trước đó, hàng ngàn người đã xuống đường tại Athens tham gia những cuộc tuần hành hòa bình để phản đối thỏa thuận cứu trợ mới.
Trong khi đó, các ngân hàng Hy Lạp vẫn đóng cửa (từ ngày 29-6 tới nay). Đài RT cho hay Bộ Tài chính Hy Lạp vừa thông báo các ngân hàng sẽ mở cửa vào ngày 17-7, kèm theo một danh sách dài các hoạt động ngân hàng được cho phép.
Bình luận (0)