“Rada (quốc hội ở Kiev) sẽ triển khai quy trình giải tán nghị viện Crimea” - ông Turchynov nói sau khi quốc hội tại bán đảo tự trị Crimea bỏ phiếu tán thành gia nhập Nga. Ngoài ra, ông Turchynov cáo buộc quyết định của các nhà lập pháp Crimea là “tội ác” được quân đội Nga hậu thuẫn.
Trước đó, hôm 6-3, ông Turchinov tuyên bố chính quyền thân Nga ở Crimea là bất hợp pháp và đang hoạt động "dưới một thùng súng". "Tất cả quyết định của nghị viện và chính phủ Crimea được đưa ra do sợ hãi và là bất hợp pháp" - người phát ngôn của ông Turchinov nhấn mạnh.
Thủ tướng mới của Ukraine, Arseniy Yatsenyuk, và chính trị gia Vitali Klitschko cũng mô tả quyết định của các nhà lập pháp Crimea trong ngày 6-3 là “phi pháp” và là hành động “khiêu khích chống lại Ukraine”. Các nhà lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu (EU) trong cuộc họp khẩn cấp về khủng hoảng Ukraine cũng mô tả hành động của chính quyền Crimea là phi pháp.
Binh lính Ukraine vẫn bị vây hãm trong nhiều căn cứ ở Crimea. Ảnh: Reuters
Theo nội dung cuộc họp của quốc hội Crimea hôm qua, Crimea sẽ trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea vào ngày 16-3 để người dân quyết định bán đảo vẫn thuộc Ukraine hay gia nhập Liên bang Nga.
Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý sẽ “vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế”. Bất kỳ cuộc đàm phán nào về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea phải có sự tham dự của chính phủ hợp pháp của Ukraine, ông Obama nhấn mạnh.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết không có thỏa thuận nào đạt được giữa Moscow và Washington về tình hình Ukraine sau cuộc đàm phán giữa ông với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Rome.
“Chúng tôi đã nhất trí sẽ nghiên cứu thêm những ý kiến mà ông John Kerry đưa ra với tôi ngày hôm nay về các biện pháp thiết thực trong tương lai” – ông Sergei Lavrov nói. Bên cạnh đó, ngoại trưởng Nga cũng chỉ trích giới hạn visa Mỹ vừa áp đặt đối với người Nga để trừng phạt Moscow liên quan đến Ukraine.
Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 6-3 nhắc lại đề nghị Nga rút quân khỏi Crimea và cảnh báo về biện pháp trừng phạt kinh tế nếu tình hình ở Ukraine xấu đi.
Sau cuộc họp khẩn cấp kéo dài 6 giờ tại Brussels, các nhà lãnh đạo từ 28 nước thành viên EU nói đã vạch ra một kế hoạch 3 bước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatseniuk (giữa)
tại hội nghị EU ngày 6-3. Ảnh: Reuters
Thứ nhất, EU dừng ngay các cuộc đàm phán thị thực với Nga, dừng công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra tại Sochi.
Thứ hai, giải quyết khủng hoảng thông qua đàm phán giữa Ukraine với Nga và bằng cách thiết lập cơ chế đối thoại quốc tế, ví dụ theo hình thức nhóm công tác. Các cuộc đàm phán cần được khởi động ngay lập tức và có kết quả trong một thời hạn nhất định. Nếu không, EU sẽ áp đặt các biện pháp bổ sung, bao gồm cấm nhập cảnh và phong tỏa tài khoản của các quan chức Nga và hủy hội nghị thượng đỉnh Nga-EU sắp tới.
Thứ ba, bất cứ hành động tiếp theo nào của Nga “gây bất ổn tình hình” ở Ukraine sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài giữa Nga và EU, bao gồm các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
Đối với Ukraine, EU tuyên bố sẽ ký thỏa thuận liên kết với Kiev trước khi quốc gia Đông Âu này tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 25-5 tới. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về cung cấp gói viện trợ trị giá 11 tỉ euro (khoảng 15 tỉ USD) cho Ukraine có thời hạn đến năm 2020 song với điều kiện Kiev phải thực thi toàn bộ yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Bình luận (0)