Đài NDTV dẫn tuyên bố của các nước BRICS đang tham dự hội nghị thượng đỉnh ở TP Hạ Môn – Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi mạnh mẽ lên án các vụ tấn công khủng bố khiến những người dân Afghanistan vô tội thiệt mạng. Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại về tình hình an ninh trong khu vực và bạo lực do Taliban, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Qaeda và các phong trào liên kết bao gồm phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, phong trào Hồi giáo Uzbekistan, mạng lưới Haqqani, Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammed, TTP và Hizb ut-Tahrir gây ra".
Tuyên bố cho biết thêm: "Chúng tôi cảm thấy đau xót trước tất cả các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, kể cả các cuộc tấn công ở các nước BRICS, đồng thời lên án khủng bố dưới mọi hình thức... Việc tổ chức hoặc hỗ trợ các hành động khủng bố phải bị xử lý".
Đại diện các nước BRICS tham dự hội nghị thượng đỉnh ở TP Hạ Môn – Trung Quốc. Ảnh: TWITTER
Trung Quốc – cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi – cùng góp tiếng nói trong tuyên bố của BRICS. Nước này cũng là đồng minh thân cận của Pakistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) nói với hãng tin PTI rằng các nước BRICS đã "thể hiện sự quan tâm đối với hành động bạo lực do các tổ chức khủng bố gây ra".
"Các tổ chức này đều bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quan ngại và có ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình ở Afghanistan. Về quá trình hợp tác chống khủng bố của các nước BRICS, chúng tôi rất hài lòng với những thành tựu đạt được. Chúng tôi có một nhóm đang làm việc liên quan tới các vấn đề khủng bố" – ông Cảnh cho biết.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc góp tiếng nói trong tuyên bố của BRICS không phải tín hiệu cho thấy chính sách của nước này đối với Pakistan sẽ thay đổi. Tuy nhiên, đây được cho là thắng lợi lớn của Ấn Độ bởi trước khi hội nghị diễn ra thậm chí Trung Quốc đã phát tín hiệu để Thủ tướng Ấn Độ không đề cập tới vấn đề che chở khủng bố của Pakistan.
Đây không phải lần đầu tiên BRICS đề cập tới các nhóm khủng bố ở Pakistan. Tháng 12 năm ngoái, một tuyên bố tương tự cũng được BRICS đưa ra tại hội nghị "Trái tim châu Á" tổ chức ở TP Amritsar - Ấn Độ nhưng không bao gồm Trung Quốc. Hai mạng lưới Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed đều được nhắc tới và đại diện Trung Quốc cũng như Pakistan đều ngồi trong cuộc họp.
Hôm 5-9, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở TP Hạ Môn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng Bắc Kinh muốn quan hệ giữa nước này với New Delhi "đi đúng hướng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 5-9. Ảnh: NDTV
Quan hệ hai bên vẫn đang căng thẳng về vấn đề tranh chấp biên giới trong bối cảnh Ấn Độ lo ngại các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong và xung quanh khu vực Ấn Độ Dương.
Về phần mình, chính quyền của Thủ tướng Modi đã làm phật lòng Trung Quốc khi đón tiếp vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma, một cách nồng nhiệt. Ấn Độ còn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, hai đối thủ của Trung Quốc.
Bình luận (0)