Năm 2002, khi Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn với lạm phát lên tới 40% và tỉ lệ thất nghiệp cao, chính các khoản vay của IMF giúp nước này từng bước gượng dậy. Đó cũng là năm Đảng AKP của ông Tayyip Erdogan giành được quyền lực.
Chính phủ sau đó của Thủ tướng Tayyip Erdogan tuân thủ các điều khoản cho vay của IMF và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dần thịnh vượng. Khi lạm phát được kéo xuống dưới 10%, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế khấm khá và chính trị ổn định khiến người dân ủng hộ ông Erdogan rất nhiều.
Nhưng mọi thứ giờ đây lại bên bờ vực nguy cơ. Dĩ nhiên, việc Mỹ đánh thuế cao hơn đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng những ảnh hưởng tới thị trường nước này là các dấu hiệu khủng hoảng mới nhất. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, đồng lira dần dần mất gần phân nửa giá trị so với USD, còn lạm phát chạm mốc 15%.
Không sớm thì muộn, chính những người từng ca ngợi ông Erdogan là nhà cải cách vĩ đại sẽ quay lưng với ông, nhất là khi họ mất việc làm hay tiêu chuẩn sống bị giảm sút.
Tiền giấy USD và lira trong một cửa hàng đổi tiền ở TP Azaz - Syria Ảnh: REUTERS
Ông Erdogan, nay là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chọn cách đổ lỗi cho bên ngoài. Ông gọi USD, euro, vàng là những vũ khí bị dùng cho cuộc chiến kinh tế chống lại nước mình. Ông cũng liên tục tuyên bố nên hạ lãi suất thay vì tăng lên để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đồng nội tệ. Kết quả là các nhà đầu tư mất niềm tin, còn dòng vốn ồ ạt chảy khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho tới nay tình hình vẫn trong vòng kiểm soát. Không ai muốn khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng không cần quá lo lắng. Các nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) đang ổn định trở lại, đủ để trụ vững trong cơn sóng gió từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, một cú sốc mang tên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng khiến châu Âu thêm đau đầu, nhất là họ vẫn phải chật vật xử lý Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và đối phó các chính sách thương mại khó lường của Mỹ.
Chính ông Erdogan là người quyết định có đưa kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ quay lại quỹ đạo hay không - việc mà ông từng làm trước đây!
Bình luận (0)